Phụ huynh Mỹ Latin gặp khó với việc dạy con ở nhà mùa dịch COVID-19

Việc đóng cửa các trường học đã trở thành một sự gián đoạn chưa từng có đối với nền giáo dục ở Mỹ Latinh.

Chú thích ảnh
Martin Vernaza (8 tuổi) học tại nhà sau khi các trường học ở Colombia đóng cửa vì lệnh cách ly do dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Vanesa Jaimes làm nhân viên văn phòng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe Venezuela, song trong những ngày này, cô phải đảm nhận một vai trò khác – giáo viên bất đắc dĩ cho 4 đứa trẻ trong nhà.

Theo hãng tin Reuters, ngày 17/3, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ban hành lệnh cách ly toàn quốc, yêu cầu người dân ở trong nhà, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Chú thích ảnh
Carmen Luz, mẹ của Renato (10 tuổi), nộp bài về nhà của con lên website trường học khi cậu bé phải học tại nhà sau lệnh cách ly khu vực Santiago của Chính phủ Chile. Ảnh: Reuters

Kể từ khi thực hiện lệnh cách ly, Jaimes dành cả ngày dạy các con làm bài tập và chật vật trong việc truy cập mạng trước nhu cầu bùng nổ về Internet tại quốc gia. Phải giúp con trai Gabriel 8 tuổi làm toán đòi hỏi Jaimes phải học lại những kiến thức cũ, vì giống như những phụ huynh khác, cô đã không làm việc này trong nhiều năm nay. 

Cậu bé Gabriel chỉ là một trong số 95% học sinh Mỹ Latinh phải ở nhà do trường học đóng cửa vì sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Việc đóng cửa các trường học đã trở thành một sự gián đoạn chưa từng có đối với nền giáo dục ở Mỹ Latinh.

Chú thích ảnh
Maria Fernada dùng máy tính trợ giúp việc học trực tuyến khi tất cả các trường học ở La Paz, Bolivia đóng cửa. Ảnh: Reuters
Chú thích ảnh
Phụ huynh kèm con học trực tuyến trở thành hình ảnh quen thuộc trong các gia đình đang thực hiện lệnh cách ly. Ảnh: Reuters

Theo Denisse Gelber – một nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Giáo dục Công bằng Chile, rất khó để những vị phụ huynh vừa tiếp tục làm những công việc tay chân bên ngoài vừa dạy con.

“Trường học được coi là hạt nhân trong hầu hết các xã hội vì đó là nơi cân bằng sự bình đẳng giữa mọi người. Thật không may khi có một vài gia đình đang gặp bất lợi thực sự”, Denisse chia sẻ.

Các giáo viên, học giả và diễn viên trong một bức thư tuần trước đã kêu gọi các đài truyền hình Chile triển khai chương trình giáo dục để tránh tình trạng “bất bình đẳng” trở nên tồi tệ hơn.

Tại Cuba, tuần này, 2 trong số 8 kênh truyền hình đã bắt đầu các lớp học từ xa bán thời gian cho trẻ từ 5 đến 18 tuổi. Cô Zebrezeit Barrera (37 tuổi), một kỹ sư tại Havana, cho biết các lớp học trên truyền hình giúp con gái 6 tuổi của cô học toán, ngữ văn và khoa học tự nhiên 3 lần/tuần. “Lời giảng dễ hiểu cho mọi người, từ trẻ em cho đến cả gia đình”, Barrera bày tỏ.

Chú thích ảnh
Phụ huynh học sinh chép bài tập nhà trường dán ngoài hàng rào về cho con tại El Pao, Venezuela vì không có Internet. Ảnh: Reuters
Chú thích ảnh
Học sinh ngồi chép bài tập về nhà trong một ngôi trường đóng cửa vì dịch COVID-19 tại El Pao. Ảnh: Reuters
Chú thích ảnh
Giáo viên thị trấn El Pao đến thăm nhà một học sinh khó khăn. Ảnh: Reuters

Sự phụ thuộc vào Internet để duy trì giáo dục cũng phân chia sự bình đẳng giữa trường học thành thị và nông thôn. Martha Gracia, cô giáo dạy tin học tại một trường nhỏ trong thị trấn Arbelaez (Colombia), cho biết mặc dù giáo viên liên tục gửi bài tập về nhà cho học sinh qua ứng dụng WhatsApp song chỉ có 30% các em nhận được qua mạng. Những học sinh còn lại phải phụ thuộc vào cha mẹ đến tận trường để lấy bản giấy về cho con. “Phần lớn trẻ em ở vùng nông thôn không có máy tính ở nhà”, giáo viên Gracia chia sẻ.

Ở một cộng đồng hẻo lánh tại Palo Mocho, miền Nam Venezuela – nơi không có tín hiệu sóng và Internet, giáo viên dán thông báo yêu cầu phụ huynh học sinh tới trường và chép bài tập mang về nhà. “Thật là không dễ dàng gì để duy trì các lớp học”, anh Ariannys Rengel (32 tuổi) – hiệu trưởng một trường địa phương – ngậm ngùi nói thêm anh đã tới thăm một số gia đình học sinh và nhiều khi phải mất một tiếng đi bộ mới đến nhà họ. 

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Giáo viên Hàn Quốc đề nghị lùi lịch khai giảng năm học mới 
Giáo viên Hàn Quốc đề nghị lùi lịch khai giảng năm học mới 

Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến vừa kết thúc cho thấy 73% giáo viên trên toàn Hàn Quốc đều cho rằng lễ khai giảng năm học mới 2020-2021 cần được lùi lại sau ngày 6/4 tới. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN