Phong tục đón Tết Seollal của người Hàn Quốc

Seollal là tên gọi Tết Nguyên đán của người Hàn Quốc. Đây không chỉ là một trong những ngày lễ quan trọng đánh dấu sự chuyển giao của năm mới mà còn là dịp để người Hàn Quốc tụ họp, tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên, cùng nhau quây quần.

Chú thích ảnh
Seollal là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Hàn Quốc. Ảnh: focusasiatravel.com

Phong tục biếu quà tạ ơn

Theo trang Asiasociety.org, trong dịp Tết Seollal người Hàn Quốc sẽ mua quà biếu để bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng với ông bà, cha mẹ. Quà tặng thường là trái cây tươi, nhân sâm, mật ong, giỏ quà cá ngừ, kẹo truyền thống, cá khô, đồ dùng hàng ngày và tiền mặt.

Chú thích ảnh
Sâm là món quà phổ biến trong dịp năm mới của người Hàn Quốc. Ảnh: gsday.us

Phong tục thờ cúng "Charye"

Ngày đầu tiên của Tết Seollal bắt đầu với nghi thức thờ cúng “Charye”. Đây là một nghi lễ bày tỏ sự tôn kính với tổ tiên và cầu cho năm mới hạnh phúc, bình an. Các thành viên trong gia đình sẽ mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc và tập trung trước ban thờ đã được chuẩn bị sẵn để thực hiện nghi lễ này.

Nghi thức bắt đầu bằng việc cúi lạy tổ tiên - "sebae" và lễ "eumbok" – xin tổ tiên phù hộ những điều tốt lành đến với các thành viên trong gia đình. Trong nghi lễ, nam và nữ có cách cúi đầu khác nhau. "Sebae" không đơn thuần chỉ là cái bái lạy mà còn là một nghi thức quan trọng trong dịp năm mới.

Chú thích ảnh
Con cháu trong gia đình sẽ cúi đầu kính cẩn trước ông bà tổ tiên. Ảnh: crazykoreancooking.com

Sau bữa ăn, các thế hệ trẻ trong gia đình cùng bái lạy và tặng quà người lớn tuổi. Sau đó, ông bà cũng chúc cho con cháu một năm mới thịnh vượng và tặng "sebaetdon" – tiền mừng tuổi cho trẻ em. Tất cả các "sebaetdon" sẽ được cất vào một chiếc túi may mắn được gọi là “bokjumeoni”. 

Chú thích ảnh
Trẻ em sẽ được tặng tiền mừng tuổi trong dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh: mrpark.com

Món ăn trong dịp Seollal

Sau lễ cúng gia tiên, mọi người trong gia đình sẽ quây quần cùng thưởng thức những món ăn vừa cúng. Tùy theo vùng miền mà các món ăn có thể khác nhau, nhưng món ăn phổ biến nhất vẫn là tteokguk – canh bánh gạo truyền thống. 

Chú thích ảnh
Món tteokguk – canh bánh gạo truyền thống tteokguk của người Hàn Quốc. Ảnh: koreanbapsang.com

Người Hàn Quốc tin rằng ăn "tteokguk" trong ngày đầu năm mới tượng trưng cho việc thêm 1 tuổi cùng với đó là để cầu mạnh khỏe và sống lâu.

Ngoài ra, món Manduguk cũng được nhiều gia đình Hàn Quốc thưởng thức trong ngày Tết, giống với canh bánh gạo của Hàn Quốc, nhưng món canh Manduguk được nấu với mandu – bánh xếp cùng nước tương, muối và hạt nêm.

Một món ăn cũng phổ biến trong dịp Tết là món bánh gạo Ddeok làm từ bột gạo nếp. Người Hàn Quốc thường ăn bánh Ddeok trong ngày cưới, tiệc tùng và lễ hội.

Chú thích ảnh
Món bánh gạo Ddeok của người Hàn Quốc. Ảnh: crazycookong.com

Trò chơi dân gian

Seollal là dịp để cả gia đình cùng nhau tham gia vào các hoạt động vui vẻ. Yutnori là một trong những trò được chơi phổ biến vào những ngày Tết ở đất Hàn và thu hút được sự tham gia của nhiều người. Trò chơi Yutnori bao gồm bàn chơi, quân chơi và 4 gậy Yut. 

Yutnori này có thể chơi 2 người hoặc chơi theo 2 đội. Trò chơi này theo như được biết thì nó đã có lịch sử từ lâu đời. Lúc tung lên những đường đi của gậy Yut được người xưa ví như đường di chuyển của Mặt Trời, hiểu theo nghĩa khác là cầu mong cho năm mới sung túc nhiều may mắn. Chính vì thế mà trò này được chơi vào ngày mùng 1 tết.

Chú thích ảnh
Trẻ em hào hứng thích thú với trò Yut Nori. Ảnh: crazykoreancooking.com

Một số trò chơi phổ biến khác được chơi trong kỳ nghỉ này là jegichagi (đá cầu), yeonnaligi (thả diều), neolttwigi (bập bênh) và paengi chigi (trò con quay). 

Chú thích ảnh
Người Hàn Quốc chơi jegichagi trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: dulichvietnam.com

Cũng giống như dịp Tết Nguyên đán ở nhiều quốc gia châu Á khác, cứ mỗi năm vào ngày Seollal người Hàn Quốc lại trở về quê hương, quây quần cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống, những trò chơi dân gian trong không khí đầm ấp, hạnh phúc bên gia đình.

Hải Vân/Báo Tin tức
Lễ hội đánh nhau để ‘xóa bỏ hận thù’, chào đón năm mới của người Peru
Lễ hội đánh nhau để ‘xóa bỏ hận thù’, chào đón năm mới của người Peru

Ngày 30/12, tỉnh Chumbivilcas (Peru) tổ chức lễ hội địa phương thường niên có tên gọi Takanakuy. Tại đây, những người tham gia cùng nhau ẩu đả, giải quyết mọi mâu thuẫn trong năm cũ để bắt đầu một năm mới không hận thù.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN