Theo trang The Guardian (Anh), khi bác sĩ Amlendu Yadav bật công tắc, đường ống lớn bắt đầu xả nước và ông nhanh chóng xúc đá vào bồn. Chỉ trong 2 phút, bồn nước đá đã đầy, sẵn sàng cho bệnh nhân tiếp theo trong khoa cấp cứu sốc nhiệt mới thành lập tại Bệnh viện Ram Manohar Lohia ở thủ đô Ấn Độ.
Bệnh nhân sốc nhiệt cần được ngâm mình vào bồn nước đá ngay khi nhậpviện để có cơ hội sống sót. Bác sĩ Yadav giải thích vấn đề chính là tốc độ.
“Thời gian chính là mạng sống. Điều bắt buộc là phải hạ nhiệt độ cơ thể bệnh nhân xuống nhanh chóng và đây là cách nhanh nhất. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải lắp đường ống nước lớn để bồn 250 lít đầy nhanh và tại sao phải trang bị máy móc có thể làm được 50 kg đá”, ông Yadav, trưởng khoa cấp cứu cứu sốc nhiệt tại Bệnh viện Ram Manohar Lohia cho biết.
Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân say nắng trong tuần qua.
Người dân ở New Delhi và nhiều nơi ở miền Bắc Ấn Độ đã phải chịu đựng nền nhiệt cao kéo dài, với mức nhiệt hơn 40 độ C mỗi ngày kể từ giữa tháng 5. Tháng 3 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận.
Đầu tháng 6, Delhi đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay. Hai trạm thời tiết tại thủ đô ghi nhận nhiệt độ là 49 và 49,1 độ C.
Theo các tờ báo đã tổng hợp số liệu, các bệnh viện ở New Delhi đã ghi nhận 275 ca tử vong do đợt nắng nóng kể từ giữa tháng 5. Con số thực tế được cho là cao hơn nhiều. Những ca tử vong này, chủ yếu liên quan đến những người lao động nghèo làm việc ngoài trời, không được ghi nhận vì cả người thân và bác sĩ đều không nhận ra rằng sốc nhiệt là nguyên nhân.
Nhiều người dân Ấn Độ, mặc dù đã quen với thời tiết nóng nực, nhưng không biết rằng làm việcngoài trời trong điều kiện nhiệt độ cao bất thường có thể gây tổn thương thận và gan, gây bất tỉnh và dẫn đến suy nội tạng.
Đồng nghiệp của ông Yadav, bác sĩ Seema Wasnik, cho biết: “Mọi người thường không nhận ra các triệu chứng sớm, nên họ vẫn làm việc cho đến khi cảm thấy bất ổn. Họ không tìm kiếm sự giúp đỡ và cuối cùng là ngã gục. Thông thường, chúng tôi phải đặt những bệnh nhân đến cấp cứu trực tiếp vào máy thở”.
Bên ngoài khoa cấp cứu mới, những người mắc các bệnh liên quan đến sốc nhiệt đông nghịt hành lang.
“Chồng tôi làm công việc nghiền đá cả ngày ngoài trời. Anh ấy bắt đầu nôn mửa. Tôi nghĩ đó là nhiễm trùng do virus hoặc anh ấy đã ăn phải thứ gì đó”, cô Sharmila Devi, đứng cạnh xe cứu của chồng, cho biết.
Trước khi bệnh viện mở khoa sốc nhiệt mới, các bác sĩ thường phải sử dụng bọt biển lạnh, túi chườm đá và dịch truyền tĩnh mạch lạnh để hạ nhiệt độ của bệnh nhân. Quá trình này rất mất thời gian. Bác sĩ Yadav thậm chí đã chứng kiến bệnh nhân nhập viện với thân nhiệt tăng vọt lên 40, thậm chí 43 độ C. Ở nhiệt độ này, cơ thể con người bắt đầu có những thay đổi về tinh thần như lú lẫn nhẹ, suy giảm ý thức, các tế bào tổn hại và có nguy cơ suy nội tạng. Mồ hôi tụ trên da, khiến da lạnh và ẩm ướt. Các bác sĩ rất khó hạ nhiệt cho các ca bệnh này.
Các bể nước đá sẽ rút ngắn thời gian đó xuống còn 25 đến 30 phút vì nước lạnh có thể tác động lên diện tích bề mặt cơ thể. Khi ngâm cơ thể trong bồn, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân được theo dõi liên tục. Khi nhiệt độ giảm xuống, bệnh nhân được chuyển đến khoa hồi sức cấp cứu (ICU).
Nếu có 2 hai bệnh nhân nhập viện cùng lúc, khoa cấp cứu sốc nhiệt sẽ sử dụng bồn bơm hơi – giống như bể bơi bằng phao – có ưu điểm là dễ di chuyển và dễ vận chuyển
Ông Dileep Mavalankar, chuyên gia y tế công cộng đã giúp xây dựng Kế hoạch hành động chống nóng đầu tiên của Ấn Độ cho thành phố Ahmedabad ở bang Gujarat, cho biết thật vô lý khi một thập kỷ sau, hầu như không có thành phố nào khác làm theo.
Năm nay, New Delhi cũng đã đưa ra một kế hoạch bao gồm “hệ thống cảnh báo sớm” nhưng không có dấu hiệu tiến triển nào trong đợt nắng nóng hiện tại.
Phát biểu với tờ Times of India, ông Mavalankar cho biết trang web của Cục Khí tượng Ấn Độ đã dự đoán một đợt nắng nóng nhưng giới chức chưa hành động đủ để chuẩn bị cho công chúng.
“Các kỷ lục về nhiệt độ kể từ năm 2022 liên tục bị xô đổ. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn”, ông nói.
Dù một số trận mưa vào cuối tuần qua đã làm dịu bầu không khí nóng bức ở Ấn Độ - với nhiệt độ giảm xuống còn 37 độ C, nhưng Cục khí tượng cho biết nhiệt độ cao sẽ sớm quay trở lại.
Trong khi đó, các sự cố khí hậu do con người gây ra đang khiến mọi đợt nắng nóng trên thế giới trở nên dữ dội với tần suất cao hơn. Theo các chuyên gia, một số đợt nắng nóng, như đợt nắng nóng cực độ ở miền tây Canada và Mỹ hồi vào năm 2021, sẽ gần như không thể xảy ra nếu không có hiện tượng nóng lên toàn cầu.