Sau khi biến động trái chiều phiên đầu tuần, khi các nhà đầu tư đang theo dõi sát cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, thị trường chứng khoán liên tục đi lên trong hai phiên giao dịch liền sau đó.
Theo các chuyên gia phân tích, sự phân tán quyền lực ở Quốc hội Mỹ có thể dẫn tới tình trạng “ách tắc” trong việc thông qua các chính sách của nước này, đồng thời kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ cũng làm giảm sức ép đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc phải tăng lãi suất mạnh hơn trong thời gian tới, qua đó tạo động lực đẩy các chỉ số đi lên.
Tuy nhiên, sắc đỏ đã quay trở lại trong hai phiên giao dịch cuối tuần sau khi Liên minh châu Âu (EU) đưa ra cảnh báo rằng tăng trưởng Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chậm lại trong năm 2019 và năm sau đó do tình hình bất ổn trên toàn cầu và căng thẳng thương mại ngày càng tăng. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cũng cảnh báo thâm hụt ngân sách của Italy sẽ “phình to” trong năm 2019 bởi kế hoạch thúc đẩy chi tiêu do chính phủ nước này đề ra được cho là không tuân thủ những quy định chi tiêu của EU.
Phiên giao dịch cuối cùng của tuần ( 9/11), giá dầu thế giới giảm gần 1%, ghi nhận chuỗi lao dốc dài nhất kể từ năm 1984, do sự gia tăng nguồn cung toàn cầu và nguy cơ chững lại của nền kinh tế thế giới. Mỹ đã chính thức áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran trong tuần này, song quyết định tạm nới lỏng quy định cho phép 7 nước và vùng lãnh thổ Đài Loan ( Trung Quốc) tiếp tục mua dầu từ Iran. Điều này khiến nhóm cổ phiếu năng lượng S&P 500 giảm 0,4%, sau khi mất 2,2% phiên trước đó. Ngoài ra, giá cổ phiếu của tập đoàn công nghệ Apple Inc và giá cổ phiếu của các nhà sản xuất chất bán dẫn đồng loạt giảm 1,9%, tác động tiêu cực tới chỉ số S&P 500.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 201,92 điểm (0,77%) xuống 25.989,3 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 25,82 điểm (0,92%) xuống 2.781,01 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 123.98 điểm (1,65%), xuống 7.406,90 điểm.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, Dow Jones tăng 2,8%, S&P 500 tăng 2,1% và Nasdaq Composite cộng 0,7%.
Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu dịu xuống, số liệu từ Chính phủ Trung Quốc cho biết lạm phát giá nhà sản xuất của nước này sụt giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 10/2018, do hoạt động sản xuất và nhu cầu nội địa suy yếu, trong khi doanh số bán xe hơi cũng giảm bốn tháng liền.
Báo cáo trên đã khiến chứng khoán toàn cầu lao dốc và gây sức ép lên các lĩnh vực nhạy cảm với thương mại và hàng hóa. Cổ phiếu của lĩnh vực công nghiệp thuộc S&P 500 giảm 1% và của lĩnh vực nguyên vật liệu mất hơn 1,4%.
Trước đó, ngày 8/11, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục nâng lãi suất ngay cả khi lưu ý rằng hoạt động đầu tư kinh doanh có xu hướng giảm.