Tình trạng này là một trong những cú giáng mới nhất vào thị trường huy động vốn toàn cầu đã liên tục chao đảo trong năm 2018 sau các làn sóng bất ổn mà đi đầu là cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Như đổ thêm dầu vào lửa, các thông tin về việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), cái chết của nhà báo Saudi Arabia tại lãnh sự quán nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề Brexit và tranh cãi xung quanh dự luật ngân sách của Italy càng khiến tâm lý các nhà đầu tư thêm bất an.
Thị trường Mỹ đã cố gắng tránh những đợt bán tháo liên tục tại nhiều khu vực khác trên thế giới và thậm chí đã có lúc lên những mức kỷ lục do nền kinh tế mạnh và các kết quả kinh doanh khá vững chắc của các tập đoàn. Nhưng sau cùng, chứng khoán New York vẫn không thể chống cự lâu hơn khi các nhà đầu tư bắt đầu tính toán tới những tác động từ các biện pháp nâng lãi suất của FED sau một thập kỷ duy trì lãi suất thấp cùng với đó là những biện pháp tăng thuế thép, nhôm nhập khẩu do Mỹ khởi xướng và căng thẳng thương mại chưa có hồi kết giữa Washington và Bắc Kinh.
Ngày giao dịch 24/10 chứng kiến chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 "thổi bay" mọi thành quả đạt được trong năm nay trong khi chỉ số chứng khoán công nghệ Nasdaq thì giảm hơn 4%. Tình trạng bán tháo tái diễn sau khi các dữ liệu báo cáo cho thấy hoạt động bán hàng trong nước tại Mỹ diễn tiến với tốc độ chậm nhất trong vòng gần hai năm qua trong bối cảnh FED nhận định các công ty trên cả nước đang lo ngại về các biện pháp thuế quan và thiếu hụt lao động.
Tác động tiêu cực nhanh chóng lan sang thị trường châu Á khiến chứng khoán Tokyo tụt 2,2%, chứng khoán Thượng Hải giảm gần 3%. Trong khi đó chứng khoán Seoul cũng lao dốc 2,8% khi các báo cáo cho thất nền kinh tế quốc gia này đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn kỳ vọng trong quý III/2018.
Phóng viên TTXVN tại Australia cho biết chứng khoán Sydney cũng "để rơi" những thành tựu trong năm với mức giảm 2,1%, mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 12 tháng qua. Giám đốc điều hành quỹ Rakuten Securities Australia Nick Twidale nhận định niềm tin của các nhà đầu tư đang gần chạm đáy, do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán phố Wall và xu hướng giảm điểm trên hầu hết các sàn chứng khoán lớn trên thế giới. Chuyên gia Stephen Innes, trưởng bộ phận thương mại châu Á-Thái Bình Dương của OANDA, cho rằng trong bối cảnh chỉ số quan trọng như S&P và Nasdaq rơi vào vòng xoáy của thị trường vốn thì các "ông lớn" tại Mỹ không còn giữ được vai trò dẫn dắt thị trường toàn cầu vốn từng được coi là "mãi mãi". Trong khi đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều chưa có dấu hiệu dừng bước trong cuộc đua leo thang căng thẳng thương mại. Vì vậy, nguy cơ rình rập thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn hiện hữu chẳng khác nào đàn cá mập đang bao vây con mồi.