Nỗ lực của chính phủ
Bà Kaysinee chia sẻ với Bangkok Post: “Tôi thấy dịch vụ ngân hàng trực tuyến khá tiện lợi. Bây giờ tôi chủ yếu dựa vào việc quét mã QR để thanh toán. Đối với tôi, không dùng tiền mặt có nghĩa là chấm dứt những thói quen cũ”.
Bà Kaysinee nằm trong số hàng triệu người tiêu dùng Thái Lan hiện đang dựa vào thanh toán trực tuyến trong cuộc sống hàng ngày. Ngân hàng Thái Lan cho biết, người tiêu dùng nước này sử dụng thanh toán kỹ thuật số tăng liên tục kể từ năm 2015. Trung tâm nghiên cứu Kasikorn công bố dữ liệu cho thấy thanh toán qua các kênh kỹ thuật số tại Thái Lan đã tăng vọt trên 80% trong giai đoạn 2020-2021.
Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng của thanh toán trực tuyến của Thái Lan bao gồm người tiêu dùng đã quen hơn với các phương thức thanh toán. Bên cạnh đó là chính sách phát triển hệ thống thanh toán trực tuyến của chính phủ.
Vào năm 2022, Ngân hàng Thái Lan đã chuẩn bị tài liệu "Phương hướng phát triển hệ thống thanh toán trong bối cảnh khu vực tài chính mới của Thái Lan" với tầm nhìn rằng thanh toán kỹ thuật số sẽ là lựa chọn ưu tiên của tất cả các nhóm người dùng, đồng thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao khả năng cạnh tranh và chuyển Thái Lan thành một xã hội “ít tiền mặt”.
Ngân hàng Thái Lan đã nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống thanh toán để đảm bảo ổn định, bảo mật và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng đổi mới, tăng khả năng tương tác và kết nối xuyên biên giới. Năm 2021 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong thanh toán kết nối giữa Thái Lan với nhiều quốc gia. Liên kết thanh toán QR giữa Thái Lan với Việt Nam, Malaysia, Indonesia đã tăng thêm tiện ích cho khách du lịch trong việc thanh toán bằng ứng dụng di động.
Có thể thấy, trong một xã hội không tiền mặt, vai trò của chính phủ càng trở nên quan trọng. Chỉ thông qua chính phủ thì người dân mới có thể tin tưởng vào hệ thống tài chính. Chính phủ cần đảm bảo rằng công nghệ và cơ sở hạ tầng cho thanh toán kỹ thuật số an toàn và sẵn có cho mọi người dân. Điều này sẽ bao gồm việc cần phải có các biện pháp để bảo vệ quyền riêng tư của công dân và ngăn chặn hành vi trộm cắp danh tính. Chính phủ cần chuẩn bị kế hoạch dự phòng trong trường hợp hệ thống bị lỗi hoặc bị tấn công mạng. Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ phải điều tiết hệ thống tài chính để ngăn chặn gian lận và đảm bảo rằng các tổ chức tài chính chịu trách nhiệm và giải trình về hành động của mình.
Hơn nữa, chính phủ cũng cần đảm bảo khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa cũng có thể tiếp cận các dịch vụ thanh toán không tiền mặt.
Đưa công nghệ đến gần với người cao tuổi và vùng nông thôn
Dân số già của Nhật Bản dường như là nguyên nhân chính khiến nước này thiếu nhiệt tình trong áp dụng hệ thống thanh toán điện tử. Trong một cuộc khảo sát với khoảng 1.600 người được Văn phòng Nội các Nhật Bản thực hiện vào tháng 7 và tháng 8/2023, gần một nửa số người từ 70 tuổi trở lên nói rằng họ hầu như không sử dụng hoặc không bao giờ sử dụng các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại thông minh.
Trong bối cảnh này, chính quyền các địa phương tại Nhật Bản đã cố gắng loại bỏ sự bất bình đẳng giữa các nhóm nhân khẩu học khác nhau bằng cách mở các lớp hướng dẫn về điện thoại thông minh dành cho người cao tuổi. Hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) cho biết thành phố Tagawa ở tỉnh Fukuoka với dân số 45.000 người là một trường hợp điển hình.
Từng là thành phố khai thác than thịnh vượng, Tagawa nay là một trong những đô thị có dân số già đi đáng kể nhất trong tỉnh Fukuoka. Tuy nhiên, các quan chức thành phố vẫn đang đẩy mạnh nỗ lực thanh toán không dùng tiền mặt. Chính quyền thành phố Tagawa đã tổ chức các buổi “phụ đạo” người cao tuổi sử dụng điện thoại thông minh. Tương tự, văn phòng thành phố Hanamaki, tỉnh Iwate hỗ trợ cho người dân tại các cửa hàng đi động, trong khi nhiều chính quyền địa phương khác cũng thiết lập dịch vụ tư vấn.
Ấn Độ đã triển khai các phương pháp thanh toán kỹ thuật số ngoại tuyến và dựa trên giọng nói để giúp thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Tờ Financial Times (Anh) cho biết hệ thống thanh toán kỹ thuật số "Giao diện thanh toán hợp nhất" (UPI) là một phần quan trọng trong tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Kể từ khi UPI ra mắt vào năm 2016, giao dịch kỹ thuật số đã phát triển mạnh mẽ tại Ấn Độ, khoảng 350 triệu người hiện sử dụng UPI để thanh toán hàng hóa, dịch vụ hoặc chuyển tiền ngay lập tức.
Hệ thống này đã ghi nhận gần 10 tỷ giao dịch trong tháng 7/2023, cao hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sự thâm nhập của UPI vào các vùng nông thôn nghèo của Ấn Độ đã bị cản trở bởi khả năng truy cập internet hạn chế và trình độ dân trí thấp hơn khu vực thành thị.
Để giải quyết khoảng trống này, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ trong tháng 8/2023 công bố kế hoạch thanh toán “hội thoại”. Người dùng UPI có thể thực hiện giao dịch bằng lời nói trên điện thoại, được xử lý bởi công cụ nhận dạng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). Dịch vụ này sử dụng các công cụ ngôn ngữ AI nguồn mở do Viện Công nghệ Madras Ấn Độ phát triển.
Người dùng cũng có thể thực hiện giao dịch mà không cần internet bằng cách sử dụng công nghệ “giao tiếp trường gần” qua kết nối giữa hai điện thoại ở gần nhau. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho biết điều này sẽ tạo điều kiện cho thanh toán kỹ thuật số bán lẻ trong trường hợp kết nối internet, viễn thông yếu hoặc không khả dụng.