Phiến quân lại phá hoại di sản văn hóa thế giới tại Mali

Các nhân chứng cho biết, các tay súng Hồi giáo cực đoan ở miền Bắc Mali ngày 10/7 đã phá hai ngôi mộ tại khu thánh đường Hồi giáo Djingareyber được xây dựng từ thế kỷ 14 ở thành phố Timbuktu, địa danh được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

 

Các tay súng Hồi giáo Mali sau khi phá huỷ một ngôi đền cổ tại Timbuktu ngày 1/7. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Theo một nhân chứng tại hiện trường, hàng chục phần tử vũ trang đi trên xe bọc thép, tới khu vực nêu trên, sau khi bắn chỉ thiên đe dọa đã sử dụng cuốc và các dụng cụ khác đập phá các ngôi mộ.

 

Thánh đường Djingareyber, cùng với Sankore và Xiđi Yahia, nổi tiếng là ba Thánh đường Hồi giáo lớn của thành phố Timbuktu. Riêng thánh đường Djingareyber được Quốc vương Mali Kankan Moussa cho xây dựng vào năm 1325 sau khi trở về từ một chuyến hành hương tới Thánh địa Mecca, Arập Xêút.

 

Từ ngày 1/7, các tay súng thuộc nhóm Hồi giáo Ansar Dine đã tấn công nhiều địa điểm có giá trị di tích lịch sử và tôn giáo ở Timbuktu, ngay sau khi UNESCO đưa các địa điểm này vào danh sách các di sản thế giới có nguy cơ bị hủy hoại. Ít nhất 8/16 lăng mộ được xếp hạng tại thành phố Timbuktu đã bị phiến quân phá hoại nhằm mục đích khuếch trương vận động xóa bỏ những công trình mà phiến quân gọi là "phi Hồi giáo". UNESCO đã lên án "hành động phá hoại vô đạo đức" này.

 

Mali rơi vào khủng hoảng trầm trọng kể từ khi các binh sĩ nổi loạn hồi tháng Ba lật đổ Tổng thống Amadou Toumani Toure. Sau cuộc đảo chính, lực lượng phiến quân người Tuareg tìm cách mở rộng kiểm soát miền Bắc Mali khu vực này và tuyên bố ly khai, áp dụng luật Hồi giáo Shariah ở khu vực này. Hiện phiến quân đang kiểm soát 2/3 vùng sa mạc phía Bắc Mali, bao gồm các khu vực Gao, Kidal và Timbuktu. Ngày 8/4, Tổng thống Toure từ chức, mở đường cho nhóm binh sĩ đảo chính chuyển giao quyền lực cho một chính phủ lâm thời với ông Dioncounda Traore làm Tổng thống.

 

Trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Mali, các nhà lãnh đạo Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhóm họp ngày 7/7 đã kêu gọi Mali cho phép hành động can thiệp quân sự với sự hậu thuẫn của Liên hợp quốc nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực miền Bắc đang bị phiến quân chiếm giữ. Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi Mali từ nay đến ngày 31/7 thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

 

TTXVN/Tin tức

ECOWAS kêu gọi Mali cho phép can thiệp quân sự
ECOWAS kêu gọi Mali cho phép can thiệp quân sự

Ngày 7/7, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nhóm họp trong nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang gia tăng tại Mali.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN