Hãng Bloomberg đưa tin trên chặng bay từ Bali đến Jakarta, phi công đi nhờ ngồi ở ghế jump seat (ghế dành cho thành viên phi hành đoàn trong lúc máy bay cất cánh và hạ cánh), đã phán đoán chính xác vấn đề chiếc Boeing gặp phải và nói cho tổ bay biết cách để vô hiệu hóa hệ thống điều khiển bay đang bị trục trặc.
Theo tiết lộ từ hai nhân vật nắm rõ quá trình điều tra của Indonesia, sự xuất hiện của viên phi công “đi nhờ” hôm đó đã cứu mạng chiếc máy bay cùng với những người có mặt.
Nhưng ngay hôm sau, dưới sự điều khiển của một tổ bay khác, chính chiếc máy bay này trên hành trình từ Jakarta đi Pangkal Pinang đã lao xuống biển Java khiến toàn bộ 189 người thiệt mạng, và theo các nhà điều tra, thảm kịch xảy ra do lỗi trục trặc tương tự
Chi tiết chưa từng được tiết lộ trước đây về máy bay xấu số JT610 của Lion Air đã cho thấy một manh mối mới trong bức màn bí ẩn về cách thức các phi công 737 Max đã đối mặt với sự cố để ngăn chặn được thảm họa trong khi những người khác lại bị mất kiểm soát máy bay. Sự xuất hiện của phi công thứ ba trong buồng lái Lion Air đã không hề được nhắc đến trong báo cáo ngày 28/11/2018 của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC).
Theo hai nhân vật trên, phi công "đi nhờ" đã chỉ dẫn phi hành đoàn tắt phần động cơ đang làm mũi máy bay chúi xuống.
“Tất cả dữ liệu và thông tin chúng tôi có về chuyến bay và máy bay đã được trình lên NTSC. Chúng tôi không thể bình luận thêm tại thời điểm này vì cuộc điều tra vụ tai nạn đang được tiến hành”, người phát ngôn của Lion Air, ông Danang Prihantoro trả lời Bloomberg qua điện thoại.
NTSC cho biết máy bay xấu số đã nhiều lần gặp sự cố từ những chuyến bay trước đó và đã không được khắc phục đúng đắn. Đại diện của Boeing và NTSC đều từ chối bình luận về thông tin của chuyến bay hôm trước ngày gặp nạn.
Hệ thống cảnh báo an toàn MCAS trên chiếc Boeing 737 Max 8, được thiết kế để giữ máy bay khỏi tăng độ cao quá đột ngột và thẳng đứng, đã bị các nhà điều tra vụ Lion Air xem xét kỹ lưỡng. Chưa đầy 5 tháng sau, ngày 10/3, một chiếc máy bay cùng loại của hãng hàng không Ethiopian Airlines cũng gặp nạn ngay 6 phút sau khi cất cánh. 157 người trên máy bay không còn ai sống sót.
Các chuyên gia đã phát hiện những điểm giống nhau giữa vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max 8 của Ethiopian Airlines ngày 10/3 với vụ chiếc Boeing 737 Max của hãng Lion Air trước đó 5 tháng. Cả hai máy bay này đều bị rơi trong vòng vài phút sau khi khi cất cánh và phi công thông báo máy bay gặp trục trặc.
Sau vụ tai nạn này, Boeing đã gửi thông báo tới các hãng hàng không có sử dụng 737 Max 8 trong đội bay, trong đó có hướng dẫn các phi công cách kiểm soát hệ thống MCAS và cho biết đang cập nhật phần mềm của hệ thống. Tuy nhiên, Boeing vẫn đang chịu nhiều chỉ trích vì đã không kịp thời thông tin cho các phi công lái 737 về chức năng của MCAS hay giới thiệu các khóa huấn luyện sử dụng hệ thống này, dẫn tới vụ tai nạn tiếp theo của Ethiopia Airlines. Phi công của máy bay Ethiopia Airlines được cho là đã gặp khó khăn tương tự như những đồng nghiệp trên của chuyến bay Lion Air.