Tranh luận về an toàn bay
Theo hãng tin Reuters, cuối tháng 9, một phi công dày dạn kinh nghiệm của hãng hàng không giá rẻ châu Âu Wizz Air thấy lo khi biết máy bay của mình sẽ bay qua Iraq vào ban đêm trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel ở khu vực lân cận.
Ông đã thắc mắc về quyết định bay này vì chỉ một tuần trước đó, hãng hàng không Wizz Air đánh giá rằng tuyến đường qua Iraq không an toàn. Đáp lại, đội điều hành bay của Wizz Air thông báo rằng đường bay hiện được coi là an toàn và ông buộc phải bay qua, nhưng không đưa ra thêm lời giải thích nào.
Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, vài ngày sau, Iraq cùng với Liban và Jordan đã đóng cửa không phận khi Iran phóng tên lửa vào ngày 1/10 nhắm vào Israel. Phi công nói trên cho biết: “Điều đó xác nhận nghi ngờ của tôi rằng tuyến đường bay này không an toàn”.
Trong khi đó, Wizz Air khẳng định: “Máy bay và phi hành đoàn của chúng tôi chỉ bay trong không phận đã được đánh giá là an toàn và chúng tôi không bao giờ chấp nhận rủi ro nào trong vấn đề này”.
Wizz Air nói rằng đã tiến hành đánh giá rủi ro kỹ lưỡng trước khi quyết định bay qua không phận Iraq vào tháng 11 và tuân theo hướng dẫn từ Ủy ban châu Âu và Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA).
Hãng cũng đang chuyển hướng một số chuyến bay theo khuyến nghị của EASA và đánh giá rủi ro, nhưng không đưa thêm chi tiết về các tuyến đường và chuyến bay bị ảnh hưởng.
Wizz Air đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv cho đến ngày 14/1.
Trung Đông là hành lang hàng không quan trọng cho các chuyến bay đến Ấn Độ, Đông Nam Á và Australia khi có tới 1.400 chuyến bay qua lại giữa châu Âu mỗi ngày vào năm ngoái.
Cuộc tranh luận về an toàn khi bay qua khu vực này chủ yếu diễn ra ở châu Âu.
Bốn nghiệp đoàn châu Âu đại diện cho phi công và phi hành đoàn đã gửi thư bày tỏ lo ngại về an toàn hàng không qua các quốc gia Trung Đông. Các lá thư được gửi đến Wizz Air, Ryanair, airBaltic, Ủy ban châu Âu và EASA từ tháng 6 đến tháng 8.
FPU Romania (nghiệp đoàn phi hành đoàn Romania) đã gửi một bức thư tới EASA và Ủy ban châu Âu ngày 26/8, trong đó có đoạn: “Không được buộc ai phải làm việc trong môi trường nguy hiểm như vậy và không lợi ích thương mại nào có thể vượt qua an toàn, phúc lợi của những người trên máy bay”.
Trong các lá thư khác, nhân viên ngành hàng không kêu gọi các hãng hàng không minh bạch hơn về các quyết định tuyến đường và yêu cầu quyền từ chối bay qua tuyến đường nguy hiểm.
Không có trường hợp tử vong hoặc tai nạn ảnh hưởng đến hàng không thương mại liên quan đến leo thang căng thẳng ở Trung Đông kể từ khi chiến tranh ở Dải Gaza nổ ra vào năm ngoái.
Air France đã mở một cuộc điều tra nội bộ sau khi một trong những máy bay thương mại của hãng này bay qua Iraq vào ngày 1/10 trong khi Tehran phóng tên lửa nhằm vào Israel. Trong trường hợp đó, các hãng hàng không đã khẩn cấp chuyển hướng hàng chục máy bay đang hướng tới khu vực bị ảnh hưởng ở Trung Đông.
Mối lo của ngành hàng không
Căng thẳng liên tục giữa Israel và Iran, cùng với sự kiện phe đối lập Syria lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad đã làm dấy lên lo ngại về bất ổn gia tăng trong khu vực.
Theo các phi công và chuyên gia an toàn hàng không, bị bắn nhầm trong hỗn loạn của chiến tranh là mối lo hàng đầu, cùng với nguy cơ phải hạ cánh khẩn cấp.
Mặc dù các hãng hàng không như Lufthansa và KLM đã ngừng bay qua Iran, nhưng các hãng như Etihad, flydubai, Aeroflot và Wizz Air vẫn bay qua không phận nước này gần đây nhất vào ngày 2/12.
Một số hãng hàng không châu Âu như Lufthansa và KLM cho phép phi hành đoàn từ chối các tuyến đường mà họ cảm thấy không an toàn, nhưng các hãng khác như Wizz Air, Ryanair và airBaltic thì không.
Ryanair, hãng từng bay không thường xuyên đến Jordan và Israel cho đến tháng 9, cho biết hãng đưa ra các quyết định an ninh dựa trên hướng dẫn của EASA.
EASA đã tham gia nhiều cuộc trao đổi với phi công và các hãng hàng không về an toàn tuyến đường trong khu vực Trung Đông trong những tháng gần đây.
Một phi công của Wizz Air vẫn nói rằng ông cảm thấy thoải mái khi bay qua khu vực xung đột vì ông tin rằng ngành hàng không có tiêu chuẩn an toàn rất cao.
Nhưng đối với một số phi công và thành viên phi hành đoàn làm việc tại các hãng hàng không giá rẻ, những cam kết từ các công ty là không đủ. Họ còn nhận được cảnh báo từ cấp trên vì từ chối bay trên các tuyến Trung Đông hoặc báo bệnh.
Tháng trước, 165 tên lửa đã được phóng tại các khu vực xung đột ở Trung Đông, so với chỉ 33 vào tháng 11/2023.
Tuy nhiên, không phận chỉ có thể bị hạn chế nếu một quốc gia đóng cửa, như trường hợp của Ukraine sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào năm 2022.
Một số hãng hàng không đã tạm ngừng bay đến những nơi như Israel khi căng thẳng gia tăng. Lufthansa và British Airways đã làm như vậy sau khi Iran tấn công Israel vào ngày 13/4.
Bay qua Trung Á hoặc Ai Cập và Saudi Arabia để tránh các điểm nóng ở Trung Đông cũng tốn kém hơn vì máy bay tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn và một số quốc gia tính phí bay qua cao hơn.
Bay một chuyến thương mại từ Singapore đến London qua Afghanistan và Trung Á sẽ khiến một hãng hàng không tốn 4.760 USD phí bay qua, cao hơn khoảng 50% so với tuyến qua Trung Đông.
Trong khi đó, một số máy bay tư nhân đang tránh những khu vực nguy hiểm nhất.
Ông Andy Spencer, một phi công máy bay tư nhân tại Singapore, cho biết: “Hiện tại, các khu vực tôi không bay đến là các điểm nóng: Libya, Israel, Iran, vì các nơi này đang xảy ra xung đột”.
EASA đưa ra các bản tin công khai về cách bay an toàn qua các vùng xung đột. Tuy nhiên, những bản tin này không mang tính bắt buộc và mỗi hãng hàng không tự quyết định nơi bay dựa vào thông tin họ có.
Những thông tin này thường không được chia sẻ với nhân viên các hãng hàng không, gây ra nỗi sợ hãi và mất lòng tin giữa phi công, phi hành đoàn và hành khách khi họ đặt câu hỏi liệu hãng hàng không của mình có bỏ sót điều gì mà các hãng ở quốc gia khác đã biết hay không.
Trong khi đó, bất ổn vẫn tiếp diễn ở Trung Đông. Theo kênh Al Jazeera, ngày 21/12, nhóm Houthi ở Yemen đã phóng tên lửa vào thủ đô Tel Aviv của Israel. Ngày 24/12, Houthi cũng thừa nhận đã phóng một tên lửa đạn đạo vào Tel Aviv sáng sớm cùng ngày.
Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn quân đội Houthi Yahya Sarea cũng khẳng định Houthi sẽ tiến hành nhiều hơn các cuộc tấn công vào Israel và các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu vào nhóm này sẽ không ngăn cản được họ.
Trước đó cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã chặn được một tên lửa do Houthi phóng vào miền Trung nước này. Đây là lần thứ ba Houthi phóng tên lửa vào khu vực xung quanh Tel Aviv chỉ trong hơn 1 tuần.