Lê Hồng Hiệp, giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia ngày 21/5 đã bình luận trên trang mạng Diễn đàn Đông Á (Eastasia Forum) của Australia rằng: Cuộc đối đầu trực tiếp giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam có lẽ là phép thử lớn nhất đối với quan hệ song phương giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa năm 1991.Quyết định đơn phương của Trung Quốc trong việc triển khai giàn khoan nước sâu trên đã bất chấp một thực tế là hai nước Việt, Trung đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong mối quan hệ song phương suốt hơn 2 thập kỷ qua cũng như việc Bắc Kinh hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hai bên đang là “đối tác chiến lược toàn diện”.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc. Ảnh: TTXVN |
Trước đó, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã đạt được một số tiến bộ trong việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, chẳng hạn như thỏa thuận năm 2011 về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển và thiết lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo cũng như chính quyền địa phương để quản lý khủng hoảng trên biển. Nhưng hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng EEZ của Việt Nam vào đầu tháng 5 này đang đe dọa hủy hoại những phát triển tích cực đó.
Một cảm giác "bên miệng hố chiến tranh" đã tràn ngập tại Việt Nam trong những ngày gần đây khi những đoạn video và hình ảnh về các tàu Trung Quốc đâm và dùng vòi rồng công suất lớn bắn vào các tàu chấp pháp của Việt Nam được đăng tải rộng rãi trên Internet và các kênh thông tin đại chúng. Trên "dòng thời gian" của người dùng Facebook ở Việt Nam đăng tải hàng loạt những ý kiến tức giận về hành động hung hăng của Trung Quốc. Trong những ngày cuối tuần của hai tuần đầu tháng 5, hàng loạt các cuộc tuần hành phản đối sự “bành trướng” của Trung Quốc diễn ra trên khắp Việt Nam.
Hành động của Trung Quốc khiến căng thẳng ở Biển Đông leo thang cũng đã gây ra những quan ngại sâu sắc trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã đặc biệt chỉ trích hành động của Trung Quốc. Trong khi đó, Hội nghị cấp cao ASEAN 24 tại Naypyidaw (Myanmar) vào tuần trước cũng đã đưa ra một tuyên bố riêng về tình hình ở Biển Đông - lần đầu tiên trong 20 năm qua.
Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ lùi bước - ngoại trừ một số báo cáo cho rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng đàm phán giải quyết vấn đề sau khi Việt Nam rút tàu của mình, một điều kiện vô lý mà Việt Nam không thể chấp nhận. Có thông tin cho rằng, Trung Quốc đã tuyên bố họ sẽ rút giàn khoan này vào ngày 15/8. Nhưng dù rút sớm hay muộn thì đây cũng là hành vi sai trái.
Do đó, vụ việc này có khả năng sẽ vẫn là một phép thử nghiêm trọng cho mối quan hệ song phương cũng như các mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN trong những tháng tới. Trong bối cảnh đó, theo ông Lê Hồng Hiệp, một số bài học có thể rút ra cho Việt Nam và các nước trong khu vực.
Thứ nhất, tranh chấp Biển Đông sẽ tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà Việt Nam phải đối mặt. Tham vọng của Trung Quốc nhằm kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông sẽ cản trở các mối quan hệ cả về chính trị và kinh tế giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc. Theo đó, quan hệ song phương sẽ có những bước thăng trầm cùng với những sự cố mới, làm xói mòn mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam-Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ trở nên quyết đoán hơn về vấn đề Biển Đông trong tương lai, đặc biệt là nếu nền kinh tế Trung Quốc phát triển ì ạch và chính phủ tại Bắc Kinh lợi dụng vấn đề tranh chấp lãnh thổ để làm chệch hướng sự bất mãn trong nước. Kết quả là, tranh chấp về ngư trường có thể sẽ bùng phát.
Thứ ba, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục trì hoãn thiết lập một “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông” (COC). Điều này sẽ tạo ra một tình huống khó xử cho các nước ASEAN. Các nước trong khu vực đều muốn Trung Quốc ký kết COC để có những nội dung mang tính pháp lý ràng buộc cao hơn, đồng thời đưa ra các chế tài ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông, không để tranh chấp leo thang và duy trì hoà bình ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng do Trung Quốc đang ráo riết triển khai các hoạt động để hiện thực hoá yêu sách “đường 9 đoạn”, thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, nên Trung Quốc muốn rảnh tay để hoành hành. Có thể Bắc Kinh hiểu rằng việc ra đời COC sẽ đồng nghĩa với việc hạn chế các hoạt động gây hấn của họ đối với các nước láng giềng ở Biển Đông. Nếu với cách suy nghĩ này sẽ rất khó để các nước ASEAN và Trung Quốc có thể cùng xây dựng được COC theo đúng nghĩa của nó, như mong mỏi của các nước trong khu vực và của cả cộng đồng quốc tế.
Một số học giả và các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang xem chiến lược tái cân bằng của Washington và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một công cụ chiến lược và kinh tế mà Mỹ đang triển khai nhằm kiềm chế Trung Quốc. Nhưng họ nên lưu ý rằng sự phản ứng rất mạnh mẽ với những gì nước này cảm nhận về chiến lược của Mỹ cùng với những hành động khiêu khích trong tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc đang khuyến khích Mỹ theo đuổi chiến lược ngăn chặn nước này. Trong hoàn cảnh đó, căng thẳng ở Biển Đông có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn.
CT (Eastasiaforum)