Trước đó, phe đối lập đã đề xuất kéo dài kỳ họp thường niên hiện nay của Quốc hội thêm 3 tháng để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song liên minh cầm quyền đã bác bỏ đề xuất này. Vì vậy, ngày 14/6, các đảng đối lập trên đã nhất trí trình Quốc hội kiến nghị bất tín nhiệm nội các của Thủ tướng Suga.
Tuy nhiên, nhiều khả năng kiến nghị bất tín nhiệm này sẽ bị phủ quyết trong phiên họp toàn thể cùng ngày của Hạ viện do liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Suga và đảng Công minh vẫn đang chiếm đa số 2/3 ghế tại cơ quan lập pháp này.
Lần gần đây nhất, một nội các do LDP lãnh đạo phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm là tháng 6/2019. Khi đó, kiến nghị bất tín nhiệm do phe đối lập đệ trình cũng đã bị Hạ viện bác bỏ.
Giới phân tích nhận định việc các đảng đối lập đệ trình Quốc hội kiến nghị bất tín nhiệm đối với Nội các có thể gây ra những xáo trộn trên chính trường Nhật Bản, trong bối cảnh Thủ tướng Suga đã cảnh báo ông không loại trừ khả năng giải tán Hạ viện để tổ chức bầu cử trước thời hạn nếu các đảng đối lập hiện thực hóa lời đe dọa đòi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nội các.
Phát biểu với các phóng viên sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Carbis Bay (Vương quốc Anh) ngày 13/6, Thủ tướng Suga cho biết ưu tiên của ông vẫn là khống chế dịch COVID-19, nhưng sẽ đưa ra quyết định về cuộc bầu cử này “khi thời điểm đến”. Ông nêu rõ: “Cuộc bầu cử có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của tôi là đối phó với dịch COVID-19… Tôi muốn mang lại sự an toàn và an ninh cho người dân Nhật Bản càng sớm càng tốt”.
Kỳ họp thường niên hiện nay của Quốc hội Nhật Bản dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 16/6. Trong khi đó, cuộc bầu cử Hạ viện sẽ phải được tổ chức trước khi nhiệm kỳ hiện nay của các hạ nghị sỹ kết thúc vào ngày 21/10.