Phát hiện này được công bố trong bối cảnh số người nhiễm chủng Omicron ban đầu tại Anh đã tăng từ 101 ca lên 437 ca trong một ngày và chính quyền Scotland vừa thông báo quay trở lại phương án làm việc từ xa. Tình trạng gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm Omicron cũng xảy ra tại nhiều quốc gia khác.
Tờ Guardian đưa tin phiên bản Omicron đáng lo ngại này có chung nhiều đột biến với chủng Omicron gốc, song nó lại thiếu một loại thay đổi di truyền quan trọng vốn tạo điều kiện để các xét nghiệm PCR dò tìm virus hiệu quả.
Tất cả các phương pháp xét nghiệm thông thường vẫn định dạng được nó là virus SARS-CoV-2 và sẽ xác định nó là chủng Omicron qua giải trình tự gien. Tuy nhiên, các phương pháp xét nghiệm PCR cho kết quả nhanh lại không phát hiện được phiên bản “tàng hình” vì thiếu đoạn gien “S”. Các nhà nghiên cứu cho biết còn quá sớm để xác định liệu phiên bản Omicron mới có lây lan theo cách giống như Omicron gốc hay không.
Cho đến nay, giới khoa học đã phát hiện được 7 trường hợp nhiễm Omicron “tàng hình” thông qua các kết quả giải mã trình tự gien ở Nam Phi, Australia và Canada. Tuy nhiên, nó có thể đã lây lan rộng rãi hơn.
Phát hiện về dạng mới của Omicron đã khiến các nhà nghiên cứu phân tách dòng B.1.1.529 thành hai dạng gồm Omicron tiêu chuẩn, hay còn gọi là BA.1, và phiên bản mới BA.2.
Giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện nghiên cứu Di truyền thuộc Đại học London (UCL), khẳng định giữa hai dạng Omicron có sự khác biệt về di truyền nên chúng có thể hoạt động khác nhau.
Cách phiên bản “tàng hình” này xuất hiện vẫn là một ẩn số lớn. Mặc dù nó thuộc dòng Omicron nhưng sự khác biệt về mặt di truyền có thể khiến nó trở thành biến thể đáng lo ngại mới nếu lây lan nhanh chóng.