Hãng thông tấn MAP dẫn nguồn tin quân đội cho biết tàu cảnh vệ của Hải quân Hoàng gia Maroc tìm thấy những người còn sống trong "tình trạng vô cùng đáng thương", trong đó có 10 phụ nữ và một trẻ nhỏ. Tất cả đã được đưa tới thành phố Nador, miền Bắc Maroc để theo dõi sức khỏe.
Cũng theo nguồn tin trên, có 3 thi thể phụ nữ trong số 7 trường hợp tử vong.
Tổ chức phi chính phủ Caminando Fronteras của Tây Ban Nha cho biết hiện vẫn còn 24 trường hợp mất tích. Con thuyền chở khoảng 100 người di cư nói trên bị lật úp vào ban đêm khi đang trong hành trình tới Tây Ban Nha.
Maroc trở thành trung tâm chung chuyển của người di cư châu Phi tìm cách tới châu Âu. Hàng nghìn người trốn chạy khỏi nghèo đói và bất ổn tại "Lục địa đen" mỗi năm qua Maroc để tìm đến "Lục địa Già", cả bằng đường bộ và đường biển. Trong khi đó, Tây Ban Nha được coi là một điểm cửa ngõ đối với những người di cư.
Tây Ban Nha là một cửa ngõ vào châu Âu quan trọng của những người di cư. Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IMO), gần 25.000 người đã thiệt mạng trong hành trình mạo hiểm nói trên kể từ đầu năm 2014, trong đó có hơn 19.000 người chết đuối ở Địa Trung Hải. Số liệu của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha năm 2019 cho thấy tổng cộng 19.604 người di cư đã xâm nhập bất hợp pháp vào các khu vực ven biển của nước này tính từ đầu năm đến ngày 14/10 vừa qua, giảm gần 55% so với 43.467 trường hợp ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong ngày 16/12, Diễn đàn Kinh tế và Quyền lợi xã hội (FTDES) công bố số người Tunisia nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu năm nay đã giảm. Cụ thể, có tổng cộng 3.545 công dân Tunisia tới các khu vực ven biển của "Lục địa Già", giảm đáng kể so với 6.006 trường hợp ghi nhận năm ngoái. Theo FTDES, việc áp dụng các công nghệ mới là công cụ đắc lực giúp ngăn chặn hoạt động di cư bất hợp pháp.
Cùng ngày, Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) cho biết số lượng người nhập cư đang cư trú tại nước này đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2014. Theo đó, khoảng 286.000 người nước ngoài đăng ký tạm trú tại Italy trong năm ngoái, giảm 5,2% so với năm 2017.
Dòng người từ châu Phi tới quốc gia Nam Âu cho thấy sự thay đổi đáng kể nhất, với số người nhập cư từ nhiều quốc gia tại lục địa này giảm tổng cộng 17% trong năm 2018, so với năm trước đó. Các nhóm người nhập cư mới tại Italy chiếm số lượng lớn nhất gồm có Romania (37.000 người), Brazil (24.000 người), Albania và Nigeria (đều là 18.000 người)...
Điểm đến được người nhập cư mới lựa chọn phụ thuộc nhiều yếu tố, phần lớn liên quan tới cơ hội nghề nghiệp, chất lượng sống, sự hiện diện của cộng đồng hoặc mạng lưới họ hàng, người thân quen.
ISTAT chỉ ra một thực tế đối nghịch khi cùng trong năm 2018, số lượng người Italy rời đất nước lên tới 117.000 trường hợp, tương đương mức tăng hằng năm 1,9%. Tính tổng cộng, có tới 816.000 công dân nước này ra nước ngoài sinh sống trong 10 năm từ 2008-2018, dẫn tới thực trạng "chảy máu chất xám" khi 75% trong số này có trình độ học vấn ở mức trung bình cao và hơn 73% có độ tuổi từ 25 trở lên.