Theo mạng tin châu Âu EurActiv.com ngày 16/3, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Ba Lan đã nhấn mạnh một loạt ưu tiên chung trong việc hỗ trợ Ukraine, bao gồm hợp tác công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ hơn, nhằm dập tắt những tin đồn về sự mất đoàn kết.
Cuộc đàm phán giữa ba nhà lãnh đạo - theo hình thức được gọi là 'Tam giác Weimar' - diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng giữa Pháp và Đức về chiến lược quốc phòng của châu Âu.
Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đã có những lời chỉ trích gay gắt nhau sau một hội nghị quốc tế ủng hộ Ukraine ở Paris hồi đầu tháng này. Tại đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công khai đưa ra ý tưởng có khả năng triển khai binh sĩ NATO đến Ukraine - điều đã nhanh chóng bị Thủ tướng Đức bác bỏ.
Phát biểu với các phóng viên ở Berlin, ba nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Ba Lan muốn nhấn mạnh tinh thần ủng hộ Ukraine và gắn với các ưu tiên quân sự, khi thảo luận về cách tăng cường hỗ trợ cho Kiev sau hội nghị ở Paris, mặc dù các bên không đưa ra bất kỳ sáng kiến mới nào.
“Những gì chúng tôi đã nhất trí và bầu không khí ngày hôm nay cho thấy rõ ràng rằng những tin đồn ác ý về căng thẳng, bất đồng giữa các nước châu Âu là không đúng sự thật”, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói.
Về phần mình, Tổng thống Macron nêu rõ: “Chúng tôi cũng muốn chứng tỏ rằng cả 3 nước trong Tam giác Weimar đều đồng ý rằng sẽ nghiêm túc trong hỗ trợ Ukraine”.
Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Pháp dường như đưa ra lời trấn an rằng Paris không quan tâm đến việc thúc đẩy các lực lượng phương Tây tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở trong thời gian trước mắt. “Chúng tôi sẽ không bao giờ chủ động leo thang cuộc xung đột này”, ông Macron nhấn mạnh.
Chỉ 24 giờ trước đó, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhằm thuyết phục công chúng ủng hộ chiến lược của mình, Tổng thống Macron đã từ chối đặt ra giới hạn về phản ứng tiềm tàng với Nga, đồng thời nhắc lại rằng ông chấp nhận khả năng có sự tham gia của binh sĩ Pháp.
Tăng cường hợp tác với Ukraine
Tăng cường sản xuất thiết bị quân sự, phối hợp với các đối tác ở Ukraine, là một trong những ưu tiên chính mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz đề cập sau cuộc họp.
Cùng với đó, Pháp, Đức và Ba Lan cam kết chi 4% GDP cho quốc phòng trong những năm tới, ủng hộ ý tưởng hợp tác công nghiệp quốc phòng chặt chẽ hơn với Ukraine.
Cách tiếp cận chung được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu đề xuất Chương trình đầu tư quốc phòng châu Âu (EDIP) nhằm tăng cường năng lực sản xuất vũ khí trên toàn khối, trong đó có Ukraine với tư cách là một quốc gia gần như thành viên EU.
Đề xuất này khá mạo hiểm vì các quốc gia có xung đột thường được coi là không an toàn cho các công ty đầu tư và ngành công nghiệp của Ukraine không phải là một phần của thị trường chung châu Âu, nghĩa là nước này không có cùng nhu cầu.
Thủ tướng Scholz thông báo về ưu tiên khác là mua thêm vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả từ các nhà sản xuất bên ngoài EU - điều mà Pháp từ lâu đã phản đối.
Hơn nữa, các bên cam kết sẽ tập trung tạo ra một liên minh có năng lực về tên lửa và tăng cường hỗ trợ quân sự chung mà EU dành cho Ukraine thông qua Quỹ Hòa bình châu Âu.