Pháp và Ba Lan bất đồng về kế hoạch cải cách quy định lao động

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo Ba Lan đang tự cô lập mình ngay trong Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với báo giới ngày 25/8 tại thành phố duyên hải Varna của Bulgaria, Tổng thống Macron nêu rõ Ba Lan đã quyết định đi ngược lại lợi ích của EU trong nhiều lĩnh vực, điều này sẽ khiến Vácsava tự đẩy mình ra khỏi châu Âu trong tương lai. Ông nhấn mạnh châu Âu là một khu vực được thành lập dựa trên nền tảng các giá trị bao gồm sự liên kết giữa dân chủ và tự do mà Ba Lan đang ngày càng xung đột.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ba Lan phản đối những nỗ lực của Tổng thống Macron nhằm xem xét lại một quy định gây tranh cãi của EU về việc cho phép các doanh nghiệp điều lao động tạm thời từ các nước có mức lương thấp đến các nền kinh tế giàu có hơn mà không phải nộp thuế thu nhập ở địa phương.

Tổng thống Pháp đang có chuyến công du 3 ngày đến Đông và Trung Âu nhằm vận động sự ủng hộ đối với chiến dịch cải cách mang tên "Hướng dẫn Lao động tạm thời ở nước ngoài" tại Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra tại Brussels (Bỉ) từ ngày 19-20/10 tới. Các quốc gia giàu có như Pháp, Đức và Áo cho rằng quy định trên dẫn đến cạnh tranh không công bằng tại các thị trường lao động, khiến lao động địa phương bị trả lương thấp.

Pháp muốn các vị trí việc làm này chỉ kéo dài trong 12 tháng, bằng một nửa thời gian mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất. Tuy nhiên, quan điểm này đã vấp phải sự phản đối cứng rắn từ những nước láng giềng nghèo hơn trong EU, nơi có nhiều lao động giá rẻ.

Ba Lan, quốc gia đang hưởng lợi nhiều nhất từ quy định trên, muốn giữ nguyên luật hiện hành. Ngày 24/8, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo khẳng định nước này sẽ bảo vệ quan điểm đến cùng vì lợi ích của người lao động Ba Lan. Ước tính khoảng 500.000 công dân Ba Lan đang làm việc cho các doanh nghiệp có chủ là người Ba Lan tại các quốc gia thành viên của EU.

Tổng thống Macron cho rằng đây là một sai lầm chiến lược của ông Szydlo bởi người dân Ba Lan đang phải nhận mức lương thấp không chỉ tại nước này mà còn những nơi khác ở EU.

Đáp lại, Thủ tướng Beata Szydlo nhận định những phát biểu của Tổng thống Macron rằng Ba Lan đang tự cô lập mình tại châu Âu là mang tính "kiêu ngạo", đồng thời cho rằng nhà lãnh đạo Pháp nên tập trung vào những vấn đề trong nước mình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ba Lan khẳng định Vácsava không đối mặt với sự cô lập của quốc tế và chỉ trích ông Macron không đi theo xu hướng phát triển tại khu vực Trung Âu.

Trước diễn biến trên, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov bày tỏ tin tưởng rằng các thành viên của EU có thể đạt được thỏa hiệp về quy định lao động gây tranh cãi trên vào cuối năm nay. Theo ông, các chính phủ thành viên của EU cần tránh đối đầu với Ba Lan và Hungary trong vấn đề này.

TTXVN/Báo Tin Tức
Vị trí chính thức cho phu nhân Tổng thống Pháp Macron
Vị trí chính thức cho phu nhân Tổng thống Pháp Macron

Ngày 21/5, Phủ Tổng thống Pháp thông báo bà Brigitte Macron, phu nhân của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron sẽ có một vị trí chính thức đại diện cho nước Pháp, nhưng không được hưởng lương, không có ngân sách hoạt động riêng cũng như nhân viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN