Theo ông Gerald Darmanin, đây là con số kỷ lục về số nhân viên an ninh được triển khai nhằm ứng phó với các cuộc biểu tình được dự báo có tới trên 900.000 người tham gia. Nguồn tin cảnh sát cho biết riêng thủ đô Paris sẽ có 100.000 người tham gia các cuộc biểu tình và để đảm bảo an ninh tại đây, thủ đô Paris huy động 5.500 nhân viên an ninh.
Tình hình bất ổn tại Pháp đã buộc Vua Charles III của Vương quốc Anh tạm hoãn chuyến thăm Pháp vốn được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 26/3. Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, ngày 27/3, Tổng thống Emmanuel Macron đã họp bàn cùng với Thủ tướng Elisabeth Borne, các thành viên nội các, các nghị sĩ cấp cao để thảo luận về tình hình hiện nay.
Gần 2 tuần sau khi Chính phủ Pháp kích hoạt quyền hành pháp đặc biệt cho phép ban hành sắc lệnh áp dụng dự luật cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện, các nghiệp đoàn vẫn đẩy mạnh quyết tâm phản đối và khẳng định sẽ thực hiện các cuộc biểu tình cho đến khi chính phủ nước này phải nhượng bộ. Theo đó, các nghiệp đoàn kêu gọi biểu tình vào ngày 28/3. Đây là cuộc tổng đình công và biểu tình thứ 10 kể từ khi nổi lên làn sóng phản đối dự luật cải cách gây tranh cãi vào giữa tháng 1.
Để xoa dịu tình hình, Thủ tướng Borne đã lên kế hoạch đàm phán trong ba tuần với các thành viên của quốc hội, các đảng phái chính trị, chính quyền địa phương và các đoàn thể. Ông dự kiến sẽ đề xuất các biện pháp mới để giảm bớt tác động của luật lương hưu nhắm vào các công việc đòi hỏi thể chất, điều kiện cho người lao động lớn tuổi và quá trình đào tạo lại, qua đó giảm bớt những lo ngại của người lao động phản đối kế hoạch cải cách mà Chính phủ của Tổng thống Macron đang thúc đẩy.