Theo kênh truyền hình RT, trong một tuyên bố phản ứng trước đề xuất của nhà lãnh đạo Israel, người phát ngôn của chính phủ Pháp cho biết: “Cho đến hiện tại, Pháp không có ý định thiết lập thỏa thuận song phương về vấn đề đó, đặc biệt là khi Tổng thống Emmanuel Macron vẫn cho rằng là quá sớm để thực hiện. Đó chỉ là lời nói một phía từ Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Pháp tin rằng thỏa thuận về một hộ chiếu sức khỏe cần được đạt ở cấp khối châu Âu”.
Văn phòng tổng thống Pháp giải thích hiện vẫn thiếu dữ liệu liên quan đến khả năng triển khai hộ chiếu vaccine, đặc biệt là câu hỏi liệu những người được tiêm ngừa vẫn có thể bị lây nhiễm hay không. Pháp cũng nêu ra "các câu hỏi về đạo đức và thực tiễn" với đề xuất này.
Phát biểu trên i24NEWS ngày 9/3, Thủ tướng Netanyahu nói: “Tôi muốn đề xuất với Tổng thống Emmanuel Macron như những gì tôi đã đề xuất với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Síp Nicos Anastasiades”. Cụ thể là thảo luận về việc tạo ra hộ chiếu sức khỏe để người dân có thể di chuyển giữa hai quốc gia mà không gặp trở ngại.
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Do Thái, Pháp hiện có dân số Do Thái lớn nhất ở châu Âu, với hơn 700.000 người đủ điều kiện nhập tịch Israel.
Israel đã ký một thỏa thuận với Hy Lạp hồi tháng 2 cho phép những người đã được tiêm vaccine tự do di chuyển giữa hai nước. Đây được coi là động thái quan trọng đối với nền kinh tế Hy Lạp, vốn phụ thuộc vào doanh thu từ ngành du lịch.