Theo kênh truyền hình France24, trong bài phát biểu gửi tới toàn dân tối 12/7 (giờ địa phương), nhà lãnh đạo Macron đã đề cập tới xu hướng gia tăng số ca mắc COVID-19 gần đây trên lãnh thổ đất nước cũng như công bố thêm một loạt các biện pháp phòng dịch, hối thúc người dân Pháp tiêm chủng nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.
Số ca nhiễm mới tại Pháp hôm 11/7 lên mức 4.000 ca, tăng gấp đôi với mốc 2.000 nhiễm/ngày hồi cuối tháng 6. “Nếu chúng ta không hành động ngay ngày hôm nay, số ca nhiễm sẽ tăng mạnh và hệ quả không tránh khỏi là gia tăng số ca nhập viện vào tháng 8”, Tổng thống Macron phát biểu hôm 12/7, nhấn mạnh chính phủ đang có tham vọng đạt tỷ lệ tiêm chủng 100% trên toàn quốc.
Tại Pháp, chiến dịch đóng cửa quốc gia kết hợp đẩy mạnh chích ngừa vaccine đã làm giảm mức độ lây nhiễm của dịch bệnh vào mùa xuân, tạo điều kiện để chính quyền nới lỏng biện pháp hạn chế. Tính đến nay, đã có 53% dân số Pháp được tiêm phòng ít nhất một liều vaccine, trong đó có 41% đã tiêm đủ hai liều. Số ca nhập viện, tử vong vì COVID-19 đứng ở mức thấp.
Trong kế hoạch tiêm chủng mới mà nhà lãnh đạo Pháp công bố, các nhân viên y tế, gồm cả những người làm việc trong các viện dưỡng lão, là những đối tượng bắt buộc phải tiêm vaccine và hạn chót tiêm chủng dành cho họ phải trước 15/9. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran nói thêm nếu như bất kỳ nhân viên y tế nào từ chối tiêm vaccine, họ sẽ không nhận được lương hoặc bị nghỉ việc sau ngày 15/9.
Nhà chức trách thông báo một chiến dịch tiêm chủng khác cho các trường trải dài từ cấp tiểu học lên trung học phổ thông cũng sẽ bắt đầu một khi năm học khai giảng vào tháng 9.
Hai điểm quan trọng khác trong loạt biện pháp phòng dịch mới mà Tổng thống Macron nêu ra bao gồm việc không còn xét nghiệm COVID-19 miễn phí đối với người dân trong nước cũng như sự xuất hiện của “hộ chiếu sức khỏe” trong hoạt động thường ngày.
Kể từ tháng 9, người dân muốn xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR COVID-19 sẽ phải tự trả tiền, trừ trường hợp họ được chỉ định từ cơ quan y tế hoặc bác sĩ. Tại Pháp, chi phí cho một lần xét nghiệm tìm kháng nguyên là 29 euro (khoảng 800.000 đồng) và cho một lần xét nghiệm PCR là 49 euro (1,3 triệu đồng). Tổng thống Pháp bày tỏ hy vọng biện pháp này sẽ thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng bằng cách khuyến khích người dân đi tiêm vaccine thay vì xét nghiệm COVID-19 nhiều lần – hiện tại đang được miễn phí đối với người dân.
“Mùa hè này sẽ là một mùa hè của sự phục hồi kinh tế”, nhà lãnh đạo nói thêm “hộ chiếu sức khỏe” – bao gồm mã QR điện tử hay giấy chứng nhận chứng minh người sử dụng có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc tiêm chủng đầy đủ hoặc mới khỏi sau khi mắc COVID-19 – sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với các hoạt động tại quán bar, nhà hàng, quán cà phê, trung tâm mua sắm, bệnh viện và các phương tiện giao thông như máy bay, tàu hỏa từ tháng 8 tới.
Điều này có nghĩa là bất kỳ người tiêu dùng nào muốn tới các địa điểm trên, họ phải chứng minh được rằng bản thân âm tính với COVID-19 hoặc đã tiêm phòng đẩy đủ. Tổng thống Pháp cũng khuyến nghị những ai đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 từ đầu năm 2021 có thể tiêm thêm liều tăng cường từ tháng 9 tới để củng cố hệ miễn dịch.
Ngay sau bài phát biểu của nhà lãnh đạo Pháp trên sóng truyền hình, hệ thống trên trạng điện tử y tế của Pháp Doctolib.fr đã bị sập do quá nhiều người truy cập đặt lịch tiêm chủng.
Pháp không phải là quốc gia châu Âu duy nhất yêu cầu vaccine bắt buộc đối với các nhân viên y tế hay ứng dụng hộ chiếu vaccine. Hy Lạp ngày 12/7 thông báo các nhân viên y tế nước này sẽ bị đình chỉ công tác nếu họ từ chối tiêm vaccine. Italy cũng bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế và dược sĩ. Bất kỳ ai không chấp nhận sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc hoặc không có lương.
Tại Đan Mạch, các nhà hàng và sự kiện công cộng yêu cầu người dân phải xuất trình giấy thông kỹ thuật số, chứng minh bản thân được tiêm phòng đầy đủ hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính gần đây. Một số bang của Đức cũng yêu cầu như vậy đối với các nhà hàng.
“Chúng ta phải sống chung với virus SARS-CoV-2. Sống chung với chúng không đồng nghĩa với việc chúng ta phải đóng cửa mọi thứ”, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beauneb nhấn mạnh.