Theo hãng thông tấn Nga TASS ngày 15/5, ông Haavisto nói: “Đại diện thường trực của chúng tôi ở NATO tại Brussels sẽ nộp đơn vào thứ 4 tới. Nếu các cuộc đàm phán với NATO bắt đầu, một phái đoàn do ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng dẫn đầu sẽ phụ trách các cuộc đàm phán”.
Vào ngày 16/5, quốc hội Phần Lan sẽ tổ chức các cuộc thảo luận về triển vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của nước này. Theo tuyên bố chung của Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin được công bố ngày 12/5, Phần Lan nên nộp đơn xin gia nhập NATO càng sớm càng tốt. Quyết định chính thức về đơn đăng ký dự kiến được đưa ra vào ngày 15/5.
Ngày 14/5, ông Pekka Haavisto cho biết nước này tin tưởng có thể cùng Thổ Nhĩ Kỳ tìm ra giải pháp để Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phản đối Phần Lan gia nhập NATO. Phát biểu trước thềm hội nghị với các nước thành viên NATO, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, tại Berlin (Đức), Ngoại trưởng Haavisto nhấn mạnh ông tin tưởng rằng cuối cùng sẽ tìm ra giải pháp và Phần Lan cùng Thụy Điển sẽ trở thành thành viên của NATO.
Cả hai nước này từ lâu đã hợp tác với NATO và được cho là có thể nhanh chóng tham gia liên minh quân sự này. Ngoại trưởng Haavisto cho rằng điều quan trọng là càng có nhiều thành viên NATO tuyên bố ủng hộ rõ ràng Phần Lan càng tốt kể từ khi nước này nộp đơn cho đến lúc hoàn tất việc gia nhập NATO.
Trước đó, cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không đóng cánh cửa gia nhập NATO với Thụy Điển và Phần Lan song Ankara muốn đàm phán với các nước Bắc Âu này và hạn chế những gì mà Ankara coi là hoạt động khủng bố. Theo ông Kalin, Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang gây quỹ và tuyển mộ thành viên ở châu Âu và PKK đang hiện diện mạnh mẽ và công khai đặc biệt ở Thụy Điển. Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hiện coi PKK là một tổ chức khủng bố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 13/5 đã bất ngờ tuyên bố Ankara không thể ủng hộ kế hoạch của Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO bởi hai nước này là nơi có nhiều tổ chức khủng bố hoạt động.
Vào đầu tháng 4, Phần Lan tăng cường thảo luận về khả năng trở thành thành viên NATO. Các thành viên chính của NATO đã ủng hộ sáng kiến này. Ở Phần Lan, đa số thành viên quốc hội ủng hộ ý tưởng gia nhập NATO. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng Nga sẽ phải thực hiện các bước quân sự-kỹ thuật để chống lại các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Ngày 14/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto đã có cuộc điện đàm đề cập đến quan hệ song phương và những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Nga khẳng định không có bất cứ mối đe dọa về an ninh nào đối với Phần Lan và việc Helsinki có khả năng điều chỉnh quan điểm về chính sách đối ngoại có thể gây tổn hại cho quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Putin cho rằng sẽ là sai lầm nếu Helsinki từ bỏ trạng thái trung lập và gia nhập NATO.
Về phần mình, Văn phòng Tổng thống Phần Lan cho biết: "Cuộc điện đàm diễn ra trực tiếp, thẳng thắn và không có gây thêm căng thẳng. Tránh gia tăng căng thẳng được coi là việc quan trọng. Phía Phần Lan đã chủ động thực hiện cuộc gọi này".
Tổng thống Phần Lan đã thông báo với Nga về kế hoạch nước này muốn gia nhập liên minh quân sự trên. Nga đã khẳng định việc Phần Lan gia nhập tổ chức này sẽ tạo ra mối đe dọa buộc Nga có hành động ứng phó, song không nêu cụ thể hành động gì.