Theo truyền thông địa phương, trên đường phố dẫn vào trung tâm thành phố Lima còn có sự hiện diện của xe quân sự thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến Peru.
Trước đó, CGTP đã kêu gọi đình công toàn quốc và tuần hành với điểm khởi đầu là trung tâm thủ đô Lima nhằm kêu gọi Tổng thống Dina Boluarte từ chức và yêu cầu trưng cầu ý dân về hiến pháp mới thay thế hiến pháp hiện tại, được soạn thảo vào năm 1993 dưới thời Tổng thống Alberto Fujimori (1990 - 2000).
Bộ Lao động Peru nêu rõ cuộc đình công do CGTP khởi xướng là hành động vô nghĩa “không thể chấp nhận được”, có động cơ chính trị mà không dựa trên quyền lợi kinh tế - xã hội hoặc nghề nghiệp của người lao động.
Theo hãng tin AFP, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố lớn ở Chile trong ngày 9/2.
Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội nghiêm trọng kể từ ngày 7/12/2022 khi Tổng thống nước này lúc đó là ông Pedro Castillo bị Quốc hội phế truất và bị bắt giữ, mở đường cho bà Dina Boluarte lên đảm nhận chức Tổng thống lâm thời. Những người ủng hộ ông Castillo yêu cầu bà Boluarte từ chức và tổ chức các cuộc bầu cử mới. Đã có ít nhất 48 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. Những bất ổn chính trị và xã hội làm lung lay niềm tin vào khả năng phục hồi của nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này.
Ngày 9/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá triển vọng kinh tế của Peru là “rất không chắc chắn” và rủi ro suy giảm đang chiếm ưu thế, đòng thời kêu gọi chính phủ quốc gia Nam Mỹ này tìm cách khôi phục sự ổn định và niềm tin nhằm đưa đất nước quay lại con đường phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuyên bố của IMF được đưa ra sau khi một phái đoàn từ tổ chức tài chính đa phương này đến thăm Peru từ ngày 24/1 - 8/2 nhằm xem xét và thảo luận với chính phủ về tình hình kinh tế và các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế.