Theo nguồn tin chính phủ, tình trạng khẩn cấp sẽ được mở rộng ra 5 khu vực gồm Madre de Dios, Apurimac, Arequipa, Moquegua, Tacna và duy trì ở 2 khu vực Cusco, Puno trong 60 ngày tới. Trong khi đó, các khu vực thủ đô Lima và thành phố El Callao, nơi đặt sân bay và các cảng biển chính của Peru, sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp từ giữa tháng 2 này.
Trước đó, ngày 13/1 vừa qua, Chính phủ Peru đã gia hạn tình trạng khẩn cấp 30 ngày đối với 4 khu vực gồm Lima, El Callao, Cusco và Puno.
Việc áp dụng tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép quân đội hỗ trợ cảnh sát khôi phục trật tự công cộng, đồng thời đình chỉ việc tự do đi lại và tập trung đông người. Theo quy định này, lệnh giới nghiêm cũng có hiệu lực từ 20h tối hôm trước đến 4h ngày hôm sau trong 10 ngày tại tỉnh Puno, tâm điểm của các hoạt động biểu tình chống chính phủ, nơi mà 18 dân thường và 1 cảnh sát đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ ngày 9/1 vừa qua.
Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội nghiêm trọng kể từ ngày 7/12/2022 khi Tổng thống nước này lúc đó là ông Pedro Castillo bị Quốc hội phế truất và bị bắt giữ, mở đường cho bà Dina Boluarte lên đảm nhận chức Tổng thống lâm thời. Những người ủng hộ ông Castillo yêu cầu bà Boluarte từ chức và tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Họ đã xuống đường biểu tình, phong tỏa các tuyến đường cao tốc, ảnh hưởng tới hoạt động vận tải cung ứng lương thực, nhiên liệu và các loại nhu yếu phẩm. Khoảng 50 người, trong đó có cả cảnh sát, đã thiệt mạng, trên 500 người bị thương và trên 320 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình. Tổng thống Boluarte đã hối thúc Quốc hội hành động để chấm dứt tình trạng trên, tuy nhiên chính trường Peru vẫn đang rơi vào tình trạng bế tắc.