Panama rơi vào khủng hoảng kinh tế-xã hội vì thiếu lương thực, vật tư y tế

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Mỹ, làn sóng biểu tình triền miên trong ba tuần qua đang khiến Panama rơi vào tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu, vật tư y tế và nông nghiệp.

Chú thích ảnh
 Người di cư chờ được đưa từ làng Bajo Chiquito tới trung tâm tiếp nhận di cư ở Lajas Blancas, tỉnh Darien, Panama, ngày 23/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ở quốc gia Trung Mỹ với hơn 4 triệu dân, các cuộc biểu tình của liên minh các công đoàn và nghiệp đoàn đã bùng nổ từ đầu tháng Bảy nhằm phản đối tình trạng chi phí sinh hoạt đắt đỏ, quản lý công thiếu minh bạch và các bê bối tham nhũng liên tiếp. Ngày 19/7 vừa qua, các tổ chức này cuối cùng cũng nhất trí về các yêu sách đối với chính phủ, bao gồm giảm giá nhiên liệu, thực phẩm, điện và thuốc men, tăng ngân sách cho giáo dục và tăng cường chống tham nhũng.

Dưới sức ép biểu tình, chính quyền Tổng thống Laurentino Cortizo đã chấp thuận trợ giá tạm thời cho nhiên liệu và một số mặt hàng thực phẩm, cũng như cắt giảm 10% chi tiêu công, tuy nhiên các đoàn hội cho rằng những biện pháp này là không đủ. Các bên hiện đang chuẩn bị tham gia cuộc đàm phán do Tổng giáo phận Panama làm trung gian.

Người biểu tình đã chặn nhiều tuyến đường quan trọng, trong đó có Cao tốc quốc tế liên Mỹ, khiến các xe tải chở khí đốt để vận hành các nhà máy phát điện bị mắc kẹt. Công ty điện lực phải cắt nguồn cung ở tỉnh Darien giáp ranh Colombia xuống còn 11 giờ/ngày, ảnh hưởng đến khoảng 7.000 hộ gia đình.

Ngành nông nghiệp Panama ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu USD do các cuộc biểu tình, chưa kể những tác động đối với thương mại nông sản do khâu vận chuyển bị tắc nghẽn. Chợ nông sản đầu mối ở thủ đô Panama City, cung cấp thực phẩm cho các siêu thị, doanh nghiệp và người dân, chứng kiến tình trạng người mua thưa thớt do thiếu thốn hàng hóa. Phần lớn nguồn cung đến từ tỉnh Chiriquí giáp ranh Costa Rica, cũng là nơi cung cấp nông sản chính cho các nước. Do Cao tốc quốc tế liên Mỹ bị phong tỏa, nhiều chuyến xe chở hàng đã không thể đến nơi, số ít còn lại đến quá muộn, khiến hàng hóa bị hư hỏng. Việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Mỹ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Làn sóng biểu tình nổ ra trong thời điểm Panama bắt đầu phục hồi sau thảm họa đại dịch. Sau khi sụt giảm 17,9% trong năm 2020, năm ngoái nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 15,3% và 13,6% trong quý I/2022. Tháng 6 vừa qua, tỉ lệ lạm phát ở Panama đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, một hiện tượng ít thấy ở một quốc gia đã “đô la hóa”, với nền kinh tế phụ thuộc vào dịch vụ.

Theo cơ quan xếp hạng Moody's, Chính phủ Panama đã đề xuất chính sách thắt lưng buộc bụng, trợ giá xăng dầu và mở rộng tạm thời một số chương trình xã hội, song điều này có thể khiến quốc gia này không đạt được mục tiêu giảm thâm hụt hàng năm. Ông Rubén Castillo, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Tư nhân Quốc gia (Conep), cho rằng trợ cấp là cần thiết, nhưng cần tập trung vào đúng mục tiêu và phải rà soát hiệu quả. Ông Castillo nhấn mạnh không thể xây dựng nền kinh tế bền vững bằng cách tăng trợ cấp, mà phải tăng năng suất, việc làm và thu hút đầu tư.

Hồng Hạnh (TTXVN)
Tổng thống Ecuador ban bố tình trạng khẩn cấp đối phó với làn sóng biểu tình
Tổng thống Ecuador ban bố tình trạng khẩn cấp đối phó với làn sóng biểu tình

Ngày 29/6, Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 4 tỉnh: Azuay ở miền Nam, Imbabura ở miền Bắc, Sucumbíos và Orellana ở miền Đông nhằm đối phó với làn sóng biểu tỉnh do Tổng Liên đoàn các dân tộc thổ dân Ecuador (CONAIE) phát động từ hơn 2 tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN