Phát biểu tại họp báo ngày 23/12, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết: "Tôi vui mừng thông báo vaccine do Oxford/AstraZeneca sản xuất tại Anh đã nộp hồ sơ toàn bộ dữ liệu lên Cơ quan quản lý thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe để xin cấp phép. Đây là bước đi tiếp theo tiến tới quyết định về việc phát triển vaccine này".
Trước đó, Anh đã phê duyệt vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và đã tiêm phòng cho 500.000 người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Chính phủ Anh cũng đã đặt hàng mua 100 triệu liều vaccine của Oxford/AstraZeneca.
* Ngày 24/12, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết nước này đã ký các thỏa thuận với công ty dược phẩm Pfizer và công ty Janssen của hãng Johnson&Johnson để nhập khẩu các vaccine ngừa COVID-19.
Trước đó, để đảm bảo tiêm phòng cho 85% dân số, Chính phủ Hàn Quốc đã dàn xếp để mua vaccine của 4 công ty, trong đó có Janssen và Pfizer và Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.
Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết vaccine của Jassen sẽ sẵn sàng để tiêm cho 6 triệu người từ quý II/2021 và vaccine của hãng Pfizer sẽ sẵn sàng để tiêm cho 10 triệu người từ quý III.
Phát biểu tại họp báo được truyền hình, ông Chung Sye-kyun cho biết: "Chúng tôi đang huy động mọi khả năng của quốc gia để nhận được vaccine ngay từ quý II. Hiện việc thương lượng đang được tiến hành".
* Cùng ngày, công ty dược Aurobindo, có trụ sở tại Hyderabad (Ấn Độ), thông báo sẽ sản xuất và bán vaccine của COVAXX (một thành viên trực thuộc công ty tư nhân United Biomedical có trụ sở tại Mỹ) để cung cấp tại Ấn Độ và cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Hiện Aurobindo đã có quyền bán vaccine trên tại một số thị trường đang nổi khác.
COVAXX có kế hoạch thử nghiệm vaccine giai đoạn hai và ba từ đầu năm 2021 tại châu Áu, Mỹ Latinh và Mỹ. COVAXX cho biết vaccine của công ty này có ưu điểm là có thể bảo quản lạnh bình thường, trong khi một số vaccine khác phải bảo quản ở nhiệt độ đóng băng. Chính vì vậy, vaccine này tiện lợi hơn cho các nước đang phát triển.
Cổ phiếu của Aurobindo đã tăng 2,3% sau thông báo trên. Aurobindo cho biết sẽ có thể sản xuất 220 triệu liều vaccine, song sẽ tăng lên tới 480 triệu liều vào tháng 6/2021.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ tiếp tục tăng sau khi vượt con số 10 triệu ca hồi tuần trước. Đây là nước bị ảnh hưởng của dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Ấn Độ là nước đứng đầu thế giới về sản xuất vaccine. Nước này cũng đang cân nhắc cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Oxford/AstraZeneca và vaccine của công ty trong nước Bharat Biotech.
* Liên quan vaccine ngừa COVID-19. Costa Rica đã nhận được lô vaccine đầu tiên gồm 9.750 liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech vào chiều 23/12 và có kế hoạch tiêm phòng vào đúng ngày Giáng Sinh, trở thành nước thứ hai ở Mỹ Latinh, sau Mexico, bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà.
Phát biểu tại họp báo, Tổng thống Carlos Alvarado cho biết: "Đây là một tin tích cực đối với đất nước vì có thể là sự khởi đầu cho việc chấm dứt đại dịch". Theo kế hoạch, nhân viên y tế và người cao tuổi sẽ được tiêm phòng đầu tiên.