Ông Trump dự chi một nghìn tỷ đô để xây dựng lại hệ thống cầu đường nước Mỹ. |
Nhà tỷ phú nhận định chương trình sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động. Trên trang website chính thức của Tổng thống đắc cử mới, chính quyền của ông mong muốn nguồn vốn sẽ được đưa vào các dự án sửa chữa sân bay, hệ thống cầu đường, ống dẫn quốc gia.
Chương trình này tuy nhận được sự hoan nghênh của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đảng Dân chủ song các chi tiết cụ thể lại chưa rõ ràng.
Lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi bày tỏ sẵn sàng làm việc với Tổng thống đắc cử triển khai kế hoạch này. Trong một tuyên bố bà cho hay: “Chúng tôi có thể cùng nhau làm việc để nhanh chóng thông qua dự luật thay đổi cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tại đồi Capitol, Quốc hội đang có sự chia rẽ về quan điểm khi bàn về cách làm thế nào để có số tiền đó”.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mark Meadows - đại diện cho khu vực phía Tây của bang Bắc Carolina - trả lời kênh truyền hình CNN: “Đó là một kế hoạch mạo hiểm. Vấn đề chính là đất nước sẽ chi trả số tiền đó như thế nào. Không thể tăng thuế để lấy nguồn đầu tư”. Ông Meadows cho biết nếu kế hoạch của ông Trump có thể hoàn thành mà không gây gánh nặng thâm hụt ngân sách, thì đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ. Trên thực tế, hàng năm qua, các nhà lập pháp đều gặp khó khăn trong việc nghĩ ra giải pháp để gây quỹ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà không cần phải tăng thuế hay làm thâm hụt ngân sách.
Trước đó, ông Trump có kế hoạch sẽ lôi kéo các nhà đầu tư tư nhân gây quỹ ủng hộ các dự án trên bằng việc áp dụng hình thức tín dụng thuế (thuật ngữ dùng để chỉ việc ghi nhận một phần thuế đã đóng trong tổng số thuế nộp cho quốc gia).
Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng thỏa thuận với các công ty tư nhân đầu tư sẽ buộc việc xây dựng cơ sở hạ tầng phải sản sinh ra lợi nhuận, điều này đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện nhiều tuyến đường cần trả phí lưu thông. “Rất nhiều người dân địa phương phản đối kế hoạch chuyển đường bình thường thành đường thu phí chỉ để lấy lợi nhuận”, Michael Sargent – trợ lý nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược Cơ sở Di sản nhận định, “Việc áp dụng hình thức tín dụng thuế sẽ dẫn đến tình trạng đầu tư vào nhiều thứ mới hơn là sửa chữa cái cũ, và điều này không có lợi về lâu dài”.
Phản ứng trước đề xuất của ông Trump, Thượng nghị sĩ bang Vernont Bernie Sanders nhận định việc áp dụng tín dụng thuế khủng cho các công ty tư nhân đầu tư vào dự án tái xây dựng cơ sở hạ tầng là một chiêu “lừa đảo” của Tổng thống đắc cử, vì điều này chỉ có lợi cho các công ty và giới tỷ phú Phố Wall: “Kế hoạch của ông Trump cho phép các tập đoàn chỉ trả một phần nhỏ những gì họ đang nợ thuế liên bang. Và ông ấy cho phép các công ty đó ‘đầu tư’ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đánh đổi lấy việc cắt giảm thuế”.