‘Ông trùm’ đồ hiệu Pháp Bernard Arnault gây chú ý khi sang Trung Quốc

Bernard Arnault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của thương hiệu hàng xa xỉ LVMH, đã có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc kể từ khi quốc gia châu Á này dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Một người phụ nữ mua sắm tại cửa hàng Louis Vuitton ở trung tâm mua sắm tại Thượng Hải. Ảnh: Reuters

“Ông trùm” thương hiệu xa xỉ người Pháp là lãnh đạo doanh nghiệp có tiếng mới nhất trong loạt doanh nhân đến thăm Trung Quốc gần đây, bao gồm tỷ phú Elon Musk và Giám đốc điều hành JP Morgan Jamie Dimon.

Hiện Bắc Kinh được cho là đang tìm cách thu hút các CEO toàn cầu trong nỗ lực ngăn chặn sự sụt giảm niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài đối với chính phủ Trung Quốc.

Theo một số ghi nhận của các phương tiện truyền thông nhà nước, tỷ phú Arnault đã có mặt tại một số trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh vào ngày 27/6. Báo Caijing cho biết ông Arnault đã kiểm tra một số cửa hàng thương hiệu thuộc sở hữu của LVMH, bao gồm Christian Dior và Bulgari, tại các trung tâm thương mại WF Central và SKP.

Trong một báo cáo công bố gần đây, LVMH ghi nhận doanh số bán hàng trong quý đầu tiên năm 2023 của họ tăng 17% so với một năm trước, vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích, nhờ sự phục hồi của thị trường mặt hàng xa xỉ Trung Quốc sau thời kỳ suy thoái mà thị trường này đã trải qua trong đại dịch.

Trong một cuộc gọi với giới phân tích, Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony nói rằng công ty đã ghi nhận một số tăng trưởng khá tốt ở Trung Quốc và đây là tín hiệu tốt cho khoảng thời gian còn lại của năm. Người tiêu dùng đang quay trở lại các cửa hàng của công ty và doanh số bán hàng trực tuyến cũng đang tăng lên.

“Chắc chắn thị trường này sẽ bình thường hóa trở lại. Chúng tôi vô cùng hy vọng và sẽ được hưởng lợi từ sự thúc đẩy mạnh mẽ từ Trung Quốc đại lục vào năm 2023”, Giám đốc tài chính Jean kỳ vọng.

Vào tháng 12/2022, Bắc Kinh đã kêu gọi chấm dứt chính sách “Zero COVID” nghiêm ngặt, dẫn đến xu hướng bùng nổ trong hoạt động của người tiêu dùng sau ba năm phong tỏa kéo dài. Chi tiêu cho mặt hàng xa xỉ phục hồi nhanh hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác trong quý đầu tiên.

Mặc dù động lực kinh tế đã giảm sút trong vài tháng qua, nhưng tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ vẫn tăng nhanh.

Theo số liệu thống kê của chính phủ công bố trong tháng này, doanh số bán lẻ đồ trang sức, vàng và bạc đã tăng 19,5% trong 5 tháng đầu năm 2023 so với một năm trước, mức tăng lớn nhất trong số tất cả danh mục hàng hóa.

Trung Quốc là một trong những thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới trước khi đại dịch xuất hiện. Đầu năm nay, Bain & Co. ước tính chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc chiếm khoảng 17% thị trường xa xỉ toàn cầu vào năm 2022. Con số này thể hiện mức giảm từ 35% vào năm 2019. Tuy nhiên, trong năm nay, nhu cầu của người tiêu dùng địa phương vẫn tăng mạnh mẽ.

“So với các thị trường mới nổi khác, Trung Quốc là một quốc gia có tốc độ phát triển hàng xa xỉ khổng lồ”, một báo cáo tháng 2 của Bain nêu rõ, đồng thời cho biết thêm rằng quốc gia này có số lượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình và cao nhiều hơn.

Chuyến thăm của tỷ phú Arnault diễn ra khi Bắc Kinh đang tìm cách xoa dịu mối lo ngại của các CEO toàn cầu về các chính sách không thân thiện của họ đối với vốn nước ngoài. Niềm tin kinh doanh đã sụt giảm sau khi chính quyền Trung Quốc tấn công một số công ty tư vấn nước ngoài, khiến các công ty phương Tây lo lắng về tương lai ở nước này.

Cuối tháng trước, người sáng lập Tesla Elon Musk đã đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên sau 3 năm và gặp gỡ một loạt quan chức cấp cao. Trong các cuộc gặp, quan chức Trung Quốc khuyến khích nhà tỷ phú đẩy mạnh đầu tư và hoạt động tại quốc gia này.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc cũng đang nỗ lực tách các doanh nghiệp phương Tây ra khỏi chính sách Trung Quốc ở nước họ.

Ngày 27/6, phát biểu tại một sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói rằng chính các công ty chứ không phải chính phủ là người đưa ra các quyết định “giảm thiểu rủi ro” khỏi nền kinh tế Trung Quốc.

“Một số người ở phương Tây đang thổi phồng cái gọi là khái niệm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và loại bỏ rủi ro từ Trung Quốc. Tôi cho rằng những khái niệm này là không đúng. Các doanh nghiệp là bên nhạy cảm nhất với những rủi ro như vậy và do đó ở vị trí tốt nhất để đánh giá những rủi ro đó. Họ nên để họ tự đưa ra kết luận và đưa ra lựa chọn của riêng mình. Chính phủ và các tổ chức có liên quan không nên can thiệp quá sâu”, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)
Thành công của Elon Musk trong 'điều hướng' mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc
Thành công của Elon Musk trong 'điều hướng' mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc

Giữa sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa hai quốc gia, ông Musk đã cho thấy sự linh hoạt đáng kể trong cả mối quan hệ cấp chính phủ và xã hội của Mỹ và Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN