Tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu Twitter và Giám đốc điều hành Tesla vừa có chuyến công du Trung Quốc trong tuần qua. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Musk tới quốc gia châu Á này kể từ năm 2019, sau một thời gian gián đoạn trong đại dịch COVID-19.
Trong thời gian ở thăm, tỷ phú Musk đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, trước khi tiếp kiến Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường. Trong các cuộc làm việc này, ông Musk đã thảo luận với các quan chức nước chủ nhà về nhà máy ô tô điện Tesla ở Thượng Hải, cũng như chuỗi cung ứng pin Lithium.
Mặc dù trên thực tế chương trình làm việc tập trung chủ yếu vào vấn đề kinh doanh, song biểu tượng chính trị của chuyến đi ở cả hai bên là khá rõ ràng. Bắc Kinh đã không đặt chuyến thăm của ông Musk ở mức thấp cũng như không để nó bên lề, mà khuếch trương một cách mạnh mẽ thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Họ muốn thế giới biết rõ rằng tỷ phú Musk đến Trung Quốc không chỉ là một nhân vật công nghệ và doanh nhân lớn của Mỹ mà còn trực tiếp gặp gỡ với các nhà lãnh đạo nước này.
Lần cuối cùng một chính trị gia hoặc quan chức Mỹ đến thăm Bắc Kinh và nhận được sự tiếp đón như vậy là khi nào? Mặc dù không đánh giá thấp thực tế là ít người sẽ làm như vậy vì lý do chính trị, nhưng ngay cả những người làm như vậy, có thể là Anthony Blinken hay Wendy Sherman, có lẽ cũng chỉ nhận được sự tiếp đón thờ ơ. Trên thực tế, kể từ sự cố "khinh khí cầu gián điệp" hồi đầu năm, Trung Quốc thậm chí còn đi xa đến mức đóng băng hoàn toàn các liên lạc cấp cao với Mỹ. Việc từ chối tổ chức một cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin tại cuộc đối thoại an ninh Shang-ri-la ở Singapore là một ví dụ như vậy.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến các cuộc gặp gỡ với Mỹ. Trung Quốc coi việc tiếp xúc với các chính trị gia Mỹ là một sự lãng phí thời gian, và thay vào đó họ thấy lợi ích chính trị lớn hơn trong việc sử dụng các cá nhân nổi tiếng trong giới kinh doanh như Elon Musk để thúc đẩy các cuộc gặp mang tính thực dụng và hiệu quả hơn. Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cũng đã thực hiện một chuyến đi tương tự đến Trung Quốc hồi đầu năm nay. Rõ ràng, Bắc Kinh vẫn tiếp tục coi cộng đồng doanh nghiệp Mỹ là lựa chọn tốt nhất.
Trong thời điểm hiện tại, các chính sách của Mỹ liên quan đến Trung Quốc dường như đang đi xuống. Bầu không khí tranh luận về chính sách đối ngoại của Mỹ đang xoáy vào những chỉ trích và đối đầu với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề. Và dường như các chính trị gia Mỹ vẫn chưa có ý định mềm mỏng với Trung Quốc để cải thiện tình hình.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp thì khác bởi vì các công ty Mỹ nhìn thấy cơ hội tài chính và thị trường khổng lồ tại Trung Quốc, nơi mà họ đã tham gia trong hơn 40 năm qua. Đằng sau hậu trường, các doanh nhân cũng đã cố gắng vận động các chính trị gia để đảm bảo lợi ích của họ được bảo đảm, ngay cả khi họ không gặp nhiều may mắn khi nói đến Trung Quốc, và điều này đã khiến họ có lẽ là tiếng nói nhất quán duy nhất phản đối luận điệu chống Trung Quốc do Washington DC thúc đẩy trong vài năm qua. Trong khi giới doanh nhân buộc phải đánh giá về những rủi ro chính trị trong các cuộc tiếp xúc với Trung Quốc, yếu tố mà họ không thể kiểm soát và các chính trị gia có thể sử dụng để ép buộc, rõ ràng họ là một tiếng nói ôn hòa của lý trí.
Trong bối cảnh đó, một người như Elon Musk đóng vai trò hết sức quan trọng. Mặc dù có quan điểm chính trị hữu khuynh, và là người Nam Phi chứ không phải người Mỹ chính gốc, không thể phủ nhận rằng vị tỷ phủ này đã tự khẳng định mình là một trong những doanh nhân có ảnh hưởng nhất ở Mỹ hiện nay. Và may mắn cho Bắc Kinh, ông Musk có quan điểm cởi mở và thái độ thân thiện đối với Trung Quốc. Khi nắm quyền kiểm soát Twitter, một trong những nền tảng truyền thông xã hội có ảnh hưởng nhất thế giới, Musk đã theo đuổi chính sách tự do hơn nhằm đẩy lùi các biện pháp chống Trung Quốc do CEO tiền nhiệm Jack Dorsey thực hiện.
Không có gì ngạc nhiên khi với những yếu tố này mà Trung Quốc nhận ra những nhân vật như ông Musk có thể gián tiếp "lèo lái" mối quan hệ Mỹ-Trung hướng tới vùng đất an toàn hơn và tạo tiền lệ cho các doanh nhân khác với thông điệp rằng bất chấp mọi thứ đang diễn ra, Trung Quốc vẫn mở cửa cho kinh doanh. Khi làm như vậy, Bắc Kinh coi sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp là một lực lượng quan trọng trong việc chống lại sự thúc đẩy "tách rời" của Mỹ, cũng như những gì họ mô tả là "tâm lý Chiến tranh Lạnh" và do đó là một yếu tố ôn hòa.
Điều trớ trêu thay lại khiến tỷ phú Musk trở nên quan trọng hơn đối với mối quan hệ Mỹ-Trung so với chính đại sứ Mỹ, Nicholas Burns. Do đó, dù Trung Quốc đang thất vọng về mặt chính trị đối với Mỹ song không từ bỏ hy vọng rằng trong nhiều lĩnh vực, cam kết với Mỹ vẫn có thể là lợi ích cơ bản của họ.