Ông Obama "lặng thinh” ở Syria vì thấy “gót Achilles” của Putin?

Diễn biến gần đây tại Syria cho thấy hai thái cực đối lập: Nga hành động mạnh mẽ, cương quyết bao nhiêu thì Mỹ lại tỏ ra “điềm nhiên thụ động” bấy nhiêu.


Ngày 11/10, kênh CNN dẫn nguồn tin từ quân sự về phiên thảo luận an toàn bay Nga - Mỹ tại Syria cho biết, Lầu Năm Góc đã đưa ra quy định yêu cầu phi công phải giữ khoảng cách với máy bay Nga trên không phận Syria. Trong trường hợp chiến đấu cơ Nga hoạt động trong khu vực không quân Mỹ đang tiến hành chiến dịch thì máy bay Mỹ sẽ dừng thực hiện nhiệm vụ. Trước đó 2 ngày, Nhà Trắng tuyên bố ngừng chương trình huấn luyện cho lực lượng nổi dậy ở Syria trong cuộc chiến chống IS. Chính quyền Obama cũng “im lặng” trước các đề nghị về cung cấp vũ khí phòng không (tên lửa vác vai) cho “lực lượng ôn hòa” ở Syria nhằm đối chọi với máy bay Nga.

Máy bay Su-25 của Không quân Nga tại căn cứ không quân Heymim, Latakia, Syria. Ảnh: Reuters/TTXVN

Dư luận, truyền thông phương Tây và Trung Đông dường như đang cố khắc họa hai hình ảnh đối lập: Mỹ đang thất thế và tỏ ra yếu đuối trước Nga; còn Tổng thống Barack Obama thì bị xem là người “do dự, mềm yếu” trước người đồng cấp Vladimir Putin “mạnh mẽ, quyết đoán”.

Mỹ có lẽ không bất ngờ trước bước can dự của Nga tại Syria. Đây là điều mà ông Obama khẳng định trong buổi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS ngày 11/10, rằng tình báo Mỹ đã biết trước động thái của Nga từ nhiều tháng trước. Thực tế, việc điều chuyển một số lượng lớn máy bay, vũ khí trang bị, chuyên gia quân sự từ Nga sang Syria ít có khả năng thoát khỏi sự giám sát của các mạng lưới tình báo, trinh sát Mỹ. Vậy tại sao Mỹ lại lặng thinh và dường như để mình Nga hành động ở Syria?

Tờ Politico (Mỹ) cho rằng, đến thời điểm hiện tại, ông Obama vẫn tin theo các đánh giá của đội ngũ cố vấn ở Nhà Trắng. Họ cho Nga có nhiều mục tiêu tại Syria, ngoài việc bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, củng cố vị thế của Moskva ở Trung Đông, tạo hiện diện để tăng vị thế trên bàn đàm phán… thì đó còn là cuộc chiến tranh tâm lý, làm cho thế giới thấy được một nước Mỹ không mạnh như nhiều người tưởng, rằng Nga vẫn là người có thể làm thay đổi cục diện cuộc chơi. Thế nhưng, bộ sậu của ông Obama nói rằng Nga mới là “bên yếu thế” trong cuộc đấu tay đôi này, với một nền kinh tế đang khốn khó, mà “gót chân Achilles” chính là sự lệ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, khí đốt.

Báo cáo cập nhật mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về triển vọng kinh tế toàn cầu cho thấy, kinh tế Nga dự báo sụt giảm 3,4% trong năm 2015, với đà tăng trưởng trong trung hạn ở mức “khiêm tốn” do chậm triển khai các chương trình cải cách mang tính cơ cấu. Sức ép đối với Nga một phần là do tác động của các lệnh cấm vận mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) dựng lên, nhưng nguyên nhân lớn nhất là việc giá dầu giảm trên thị trường. Đối với một quốc gia mà hơn 50% thu ngân sách đến từ dầu mỏ và khí đốt như Nga, thì sự đổ dốc bất ngờ của giá dầu từ giữa năm 2014 đến nay (hiện dưới ngưỡng 50 USD/thùng và giá dầu được dùng làm căn cứ cho các hợp đồng mua bán khí đốt) sẽ làm kinh tế Nga thêm khốn khó.

Giới chức ngành dầu khí Nga cho rằng, giá dầu giảm chỉ là nhất thời và sẽ tăng trở lại trong tương lai gần. Phó Chủ tịch tập đoàn Lukoil Leonid Fedun gần đây còn dự báo giá dầu sẽ ở mức 100 USD/thùng trong năm 2016. Chủ tịch Rosneft, ông Igor Sechin cũng đưa ra những góc nhìn lạc quan tương tự. Thế nhưng, đó dường như là những nhận định có phần “màu hồng”. Giới phân tích nhận định, thời kì giá dầu ở ngưỡng 100 USD/thùng đã qua, nhiều yếu tố không thuận đối với Nga cũng đã xuất hiện.

Giá dầu thấp gây khó khăn cho kinh tế Nga. Ảnh: AP

Phát biểu hôm 7/10, Tổng Giám đốc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Abdallah Salem el-Badri cho biết, giá dầu có xu hướng tăng trong dài hạn, thế nhưng chưa thể xác định được đà tăng ở mức độ nào và “ánh sáng cuối đường hầm” sẽ chỉ xuất hiện trong khoảng từ 18-24 tháng tới. Cầu không tăng do đà hồi phục chậm của kinh tế thế giới, nhưng cung lại tăng mạnh. Sản lượng của OPEC đã vượt ngưỡng mục tiêu chính thức 30 triệu thùng/ngày theo cam kết hồi tháng 5/2014. Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC, đã không chịu chấp thuận cắt giảm sản lượng kể từ tháng 11/2014, với lượng dầu khai thác  đạt mức 10,3 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2015. Mức giá 40-50 USD vẫn có thể khiến “vương quốc dầu mỏ” này thu lợi, vì nhiều mỏ hiện nay đã hết khấu hao, điều kiện khai thác dễ dàng.

Nhân tố mới nổi khác chính là Mỹ. Bước đột phá trong công nghệ khai thác dầu, khí đá phiến đã đưa Mỹ vươn lên trở nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới (vượt trên Saudi Arabia) và nước có sản lượng khí đốt đứng đầu thế giới (vượt Nga). Những rào cản đối với ngành năng lượng Mỹ cũng dần được tháo bỏ. Mới nhất là việc Hạ viện hôm 8/10 đã thông qua dự luật đã thông qua dự luật bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu kéo dài 40 năm qua. Một khi được Thượng viện thông qua và được Tổng thống phê chuẩn, Mỹ sẽ trở thành “người chơi chính” trong cuộc chiến dầu mỏ. Giới chuyên gia nhận định, một khi giá dầu lên ngưỡng 60 USD/thùng, dầu đá phiến của Mỹ dư sức làm lụt thị trường và đẩy giá xuống theo tính toán.

Liên Xô lâm vào khủng hoảng do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu năng lượng và gặp phải cú sốc khi Saudi Arabia (có sự gợi mở từ Mỹ) năm 1985 khơi mào “chiến tranh dầu mỏ”, đẩy giá xuống thấp. Cùng với đó là bước sa lầy của Moskva ở Afghaninstan. Nga đương nhiên là người hiểu rõ nhất thực tế và kinh nghiệm lịch sử đó. Phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở Sochi hồi đầu tháng 10, Thủ tướng Dmitry Medvedev cảnh báo, Nga phải giảm ngay sự lệ thuộc thái quá từ nguồn thu dầu mỏ, khí đốt hướng trọng tâm vào phát triển các ngành công nghiệp nội địa, cắt giảm đầu tư. Còn về tình hình Syria, Điện Kremlin đến nay vẫn tuyên bố, can thiệp của Nga là có giới hạn và Moskva không có ý định mở chiến dịch trên bộ.

Đó đều là những nhiệm vụ không hề dễ dàng. Nga vẫn đang chịu tác động tiêu cực từ các lệnh cấm vận của phương Tây, lộ trình cải cách kinh tế không thể hoàn tất một sớm, một chiều, do gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, công nghệ từ nước ngoài và lo. Bài toán Syria cũng đặt ra câu hỏi mới về khả năng Nga bị kéo vào sâu hơn, khi mà Mỹ và các đồng minh tại khu vực dường như chưa lộ rõ mục tiêu và “lá bài tẩy”.
Hoài Thanh
Nhiệm vụ của Nga tại Syria là ổn định chính quyền hợp pháp
Nhiệm vụ của Nga tại Syria là ổn định chính quyền hợp pháp

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/10 đã có cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossya 1 của Nga, trong đó chủ yếu đề cập đến chiến dịch chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng của Nga tại Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN