Theo phóng viên TTXVN tại London, việc trở thành đối tác đối thoại của ASEAN là một trụ cột trong chính sách đối ngoại ba mũi nhọn của Anh nhằm củng cố quan hệ an ninh và thương mại trong khu vực. Đây là một phần trong chiến lược ngả về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nước này khi theo đuổi tầm nhìn "Nước Anh toàn cầu" sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).
Trả lời phỏng vấn tờ The Telegraph, Ngoại trưởng Raab cho rằng tư cách đối tác đối thoại của ASEAN sẽ mang lại cho Anh những cơ hội tích cực bởi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một thị trường tăng trưởng của tương lai. Mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia ASEAN, với tổng GDP 3.200 tỷ USD, sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm cho người Anh và tạo cơ hội mở rộng quy mô cho các công ty khởi nghiệp. Ông Raab nhấn mạnh sự thịnh vượng và an ninh của Anh dựa vào mối quan hệ ngày càng sâu sắc với các khu vực bên ngoài phương Tây và khẳng định Đông Nam Á là một khu vực đặc biệt quan trọng.
Bằng cách chính thức hóa quan hệ với ASEAN, Anh sẽ được mời tham dự các cuộc họp thường niên của các bộ trưởng ngoại giao và kinh tế, đồng thời hợp tác sâu hơn về thương mại, đầu tư, biến đổi khí hậu, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục, bao gồm hợp tác chống khủng bố với Indonesia và hợp tác chống buôn lậu với Việt Nam.
Bà Veerle Nouwens, nhà nghiên cứu cấp cao Chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh, nhận định việc Vương quốc Anh trở thành đối tác đối thoại của ASEAN sau nhiều thập kỷ khối này không kết nạp thành viên mới là rất quan trọng. Bà nhấn mạnh Vương quốc Anh giờ đây có thể tham dự các cuộc họp cấp cao tại ASEAN với các quốc gia có dự báo tăng trưởng kinh tế vô cùng hứa hẹn.
ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các đối tác chính thức khác của ASEAN có Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga…