Việc Thủ tướng Theresa May quyết định lùi cuộc bỏ phiếu lẽ ra diễn ra vào cuối năm ngoái đến ngày 15/1 là sự tính toán có chủ đích vì bà cho rằng các nghị sĩ Anh hoảng sợ trước nguy cơ "no deal", tức là Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận, sẽ buộc họ phải bỏ phiếu thuận.
Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu quá chênh lệch với tỷ lệ 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận cho thấy tiến trình Brexit đang đứng trước nhiều rủi ro và trái với hy vọng của Thủ tướng May. Nhiều khả năng là Anh sẽ ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, một kịch bản mà giới doanh nghiệp rất lo ngại, với nguy cơ là đồng bảng Anh sụt giá mạnh và thất nghiệp tăng vọt.
Kịch bản thứ hai là nước Anh tổ chức lại trưng cầu ý dân về Brexit. Đây là yêu cầu của phe ủng hộ hợp nhất châu Âu, với hy vọng là cuộc bỏ phiếu lại sẽ đảo ngược kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/06/2016. Nhưng nếu tổ chức trưng cầu ý dân lần thứ hai thì rõ ràng Anh không thể nào tuân thủ thời hạn rời EU vào ngày 29/3 tới.
Một kịch bản khác có thể xảy ra là Anh sẽ tổ chức bầu cử trước thời hạn, như yêu cầu của Công đảng đối lập. Nếu Công đảng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này, họ dự tính sẽ thương lượng một thỏa thuận mới với EU. Nhưng trong trường hợp đó, cần phải có nhiều thời gian để làm việc này.
Do vậy, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã nêu lên khả năng hoãn ngày Anh rời EU. Hiện các nghị sĩ Anh đang chuẩn bị đưa ra một kiến nghị hoãn tiến trình Brexit, vốn được quy định trong Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.
Nếu Thủ tướng Anh thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện dự kiến diễn ra trong ngày 16/1, chính trường Anh sẽ càng chìm sâu trong khủng hoảng và tiến trình Brexit sẽ rơi vào hỗn loạn.