Trung tâm Nghiên cứu núi lửa và Giảm nhẹ nguy cơ địa chất Indonesia (CVGHM) đã phát hiện núi lửa Anak Krakatau giảm độ cao từ 338m trước đây xuống còn 110m hiện nay.
Trung tâm trên ước tính núi lửa này đã mất từ 150-180 triệu m3 vật chất do một lượng lớn đá, tro bụi đã bị đẩy và chìm xuống biển sau loạt đợt phun trào.
Theo ông Wawan Irawan, một quan chức của CVGHM, núi lửa Anak Krakatoa hiện "thấp hơn" nhiều bởi đỉnh núi này trước đây có thể nhìn thấy bằng mắt thường tại trạm quan sát, nhưng nay đã không thể thấy.
Hình ảnh từ vệ tinh được Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản chụp vào thời điểm trước và sau khi núi lửa phun trào hồi tuần trước, một vùng rộng 2 km2 trên núi lửa này đã sụp xuống đại dương.
Núi lửa Anak Krakatoa (có nghĩa Con của Krakatoa) là một hòn đảo mới nổi lên vào khoảng năm 1928 từ phần miệng còn lại của núi lửa Krakatoa. Đợt phun trào dữ dội của núi lửa Krakatoa hồi năm 1883 đã làm ít nhất 36.000 người thiệt mạng.
Ngày 22/12 vừa qua, núi lửa Anak Krakatoa bị lở một phần sườn núi, dẫn tới sụt lún dưới biển cùng với đợt thủy triều dâng cao bất thường đã gây sóng thần ập vào khu vực ven biển ở eo biển Sunda và tàn phá khu vực này.
Đây là đợt sóng thần thứ 3 tấn công Indonesia trong 6 tháng qua. Những trận sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh báo, tuy nhiên, sóng thần lần này xảy ra do hoạt động của núi lửa nên không được phát hiện và cảnh báo kịp thời.
Theo các số liệu mới nhất, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa sóng thần tàn phá khu vực xung quanh eo biển Sunda là 426 người trong khi 23 người vẫn mất tích, 7.202 người bị thương và gần 1.300 ngôi nhà bị phá hủy. Hơn 40.000 người đã đi sơ tán do lo ngại xảy ra trận sóng thần thứ 2 do tác động từ đợt phun trào của núi lửa Anak Krakatau cuối tuần qua.
Indonesia hiện có 127 núi lửa hoạt động và nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào.