Các nhà nghiên cứu tại đại học George Washington ngày 25/9 đã công bố các tài liệu giải mật cho thấy Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã từng nghe lén biểu tượng dân quyền Martin Luther King và võ sĩ quyền Anh hạng nặng Muhammad Ali cũng như những nhân vật chỉ trích mạnh mẽ nhất cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Theo tài liệu được công bố, Martin Luther King từng là nạn nhân của NSA. Ảnh: Internet |
Chương trình nghe lén kéo dài 6 năm có mật hiệu "Minaret" từng bị phơi bày ra ánh sáng năm 1970, song những mục tiêu trong chương trình theo dõi này vẫn được giữ kín cho tới nay. Các tài liệu cho thấy NSA đã theo dõi ông Luther King, cộng sự của ông là Whitney Young và huyền thoại quyền anh Ali, cũng như các nhà báo của hai tờ báo danh tiếng "New York Times" và "Washington Post".
Hai Thượng nghị sĩ Frank Church của bang Idaho và Howard Baker thuộc bang Tennessee cũng có tên trong danh sách này.
Chương trình nghe lén trên của NSA bị đánh giá là chương trình "hèn hạ nếu không muốn nói là trái luật". Vào năm 1967, cao trào của phong trào chống chiến tranh ngay trong lòng nước Mỹ đã buộc Tổng thống Lyndon Johnson phải yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ điều tra có hay không việc các thế lực bên ngoài kích động biểu tình trong nước. NSA khi đó đã phối hợp với các cơ quan tình báo khác để lên "danh sách" những người chỉ trích phản chiến để nghe trộm các cuộc điện thoại từ nước ngoài của họ.
Theo các nhà nghiên cứu công bố số tài liệu trên, việc lạm dụng chương trình do thám trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam còn vượt xa quy mô các chương trình hiện nay. Việc chương trình nghe lén năm 1975 bị phơi bày, song song với các chương trình theo dõi ngay chính người dân Mỹ của NSA đã khiến dư luận phẫn nộ. Thượng nghị sĩ Church, một trong số nghị sĩ bị nghe lén, đã tiên phong đòi cải cách để hạn chế các chương trình do thám và hoạt động của các cơ quan tình báo.
Trong khi đó, nhiều sự thật về chương trình do thám của Washington tiếp tục bị phơi bày. Tờ "Hindu" của Ấn Độ số ra ngày 25/9 đưa tin NSA đã tiến hành do thám Đại sứ quán nước này tại thủ đô Washington và Văn phòng Đại diện Ấn Độ tại Liên hợp quốc (LHQ) bằng thiết bị giám sát tinh vi có thể sao lại các ổ đĩa cứng.
Tờ báo này cho hay các văn phòng của Ấn Độ nằm trong danh sách cơ quan tối mật đã được NSA chọn để theo dõi. Dẫn tài liệu mật nội bộ của NSA, báo trên nêu rõ cơ quan an ninh Mỹ đã chọn văn phòng của Ấn Độ tại LHQ và Đại sứ quán Ấn Độ là một mục tiêu để thâm nhập các máy tính và điện thoại bằng những con rệp công nghệ cao. NSA đã sử dụng nhiều kỹ thuật do thám, trong đó có "Lifesaver" (Người cứu hộ) nhằm "sao lưu ổ cứng của các máy tính".
Được biết, tờ "Hindu" có hợp tác với phóng viên Glenn Greenwald của tờ "Guardian" của Anh. Đây là tay bút có quan hệ mật thiết với cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden, người đang được phép tạm trú tại Moscow, Nga.
Hồi tháng 7 vừa qua, tờ Hindu cũng đã tiết lộ một danh sách gồm 38 sứ quán và cơ quan ngoại giao là mục tiêu theo dõi của NSA. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại đối với nghi vấn về hoạt động do thám của Mỹ nhằm vào các phái đoàn ngoại giao của nước này và cho biết sẽ nêu vấn đề trên với giới chức Mỹ.
Trong một động thái ngày 25/9, một nhóm nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ đã đề xuất một dự luật nhằm chấm dứt việc thu thập thông tin trái phép của NSA và đưa ra các công cụ mới để kiểm soát các chương trình nghe lén của cơ quan an ninh chính phủ.
Dự luật trên bao gồm cấm thu thập khối lượng lớn các dữ liệu của người dân Mỹ, cho phép những người Mỹ từng bị NSA theo dõi khởi kiện và các công ty có thể tiết lộ các thông tin về quá trình họ buộc phải hợp tác với cơ quan tình báo chính phủ. Dự kiến, đạo luật này sẽ được công bố tại Tòa án Tình báo nước ngoài, cơ quan có trách nhiệm theo dõi các chương trình nghe lén của Washington.
Kể từ tháng 6/2013, Chính quyền Washington liên tục vấp phải chỉ trích nặng nề không chỉ của người Mỹ mà còn của cộng động quốc tế, trong đó có các nước đồng minh thân cận như Anh, Pháp, Brazil, Mexico liên quan đến chương trình theo dõi của mình. Vụ việc này đã phủ bóng đen lên mối quan hệ với Moscow, làm "sứt mẻ" mối quan hệ với Brasilia khiến Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ.
TTXVN/Tin tức