Nóng trong tuần: Tấn công khủng bố gây chấn động ở Nga; Mỹ và EU tăng áp lực buộc Israel ngừng bắn tại Gaza

Tuần qua diễn ra các sự kiện đáng chú ý như vụ tấn công đẫm máu tại Nga, Mỹ và EU gây áp lực buộc Israel ngừng bắn ở Gaza, Nga và Ukraine leo thang tấn công cơ sở năng lượng của nhau và tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trích từ video cho thấy các tay súng đang di chuyển vào trong trung tâm thương mại Crocus City Hall ở Krasnogorsk, ngoại ô Moskva, Nga ngày 22/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Vụ khủng bố gây chấn động ở Nga

Tối 22/3, vụ tấn công khủng bố đẫm máu gây chấn động thế giới đã xảy ra tại phòng hòa nhạc trong trung tâm mua sắm và biểu diễn nghệ thuật Crocus City gần Moskva (Moscow), Liên bang Nga khiến khoảng 150 người thiệt mạng. Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết trừng phạt thích đáng những kẻ khủng bố gây ra vụ thảm sát kinh hoàng trên và tuyên bố một ngày quốc tang. 

Lực lượng an ninh Nga đã xác định được danh tính của 4 trong số 11 nghi can khủng bố thực hiện vụ tấn công đẫm máu trên. Cả 4 phần tử liên quan trực tiếp nêu trên đều là "công dân Tajikistan", gồm Nasridinov Makhmadrasul, 37 tuổi; Ismonov Rivozhidin, 51 tuổi; Safolzoda Shokhinjonn, 21 tuổi và Nazarov Zustam, 29 tuổi. 

Các điều tra viên Nga cho biết "những phần tử khủng bố" đã sử dụng "chất lỏng dễ cháy" để phóng hỏa sau khi thực hiện vụ xả súng trong phòng hòa nhạc. Ủy ban Điều tra Nga nêu rõ: “Những phần tử khủng bố đã sử dụng chất lỏng dễ cháy để phóng hỏa khuôn viên phòng hòa nhạc, nơi có khán giả, trong đó có cả những người bị thương”.

Cộng đồng thế giới đã đồng loạt lên án vụ tấn công khủng bố. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ), ông Stephane Dujarric, cho biết Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên án vụ tấn công khủng bố bằng “ngôn từ mạnh mẽ nhất”. Trước đó, đích thân ông Guterres đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân, người dân và chính phủ Nga. Ông chúc những người bị thương nhanh chóng hồi phục. Cùng ngày, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ lên án vụ tấn công khủng bố là “ghê tởm và hèn hạ”.

Mỹ, EU và nhiều nước châu Âu cũng lên án vụ tấn công đẫm máu tại Mosvka. Nhà Trắng gửi lời chia buồn tới các nạn nhân và cho biết đang cố gắng thu thập thêm thông tin. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Tâm trí của chúng tôi hướng về các nạn nhân của vụ tấn công khủng khiếp này. Những hình ảnh thật khủng khiếp và khó xem”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni lên án vụ tấn công khủng bố bằng những ngôn từ mạnh mẽ và cho rằng hành động giết hại người dân vô tội ở Moskva là không thể chấp nhận được.

Trong khi đó, một số nước châu Mỹ như Mexico, Argentina, Brazil, Chile, Colombia và Bolivia bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và nhân dân Nga. Bộ Ngoại giao Argentina ra thông cáo phản đối vụ tấn công khủng bố. Thông cáo nhấn mạnh “Argentina lên án mạnh mẽ và phản đối vụ tấn công khủng bố”, đồng thời chia buồn sâu sắc với “gia đình các nạn nhân” và mong muốn những người bị thương sẽ nhanh chóng hồi phục.

Ở châu Á, các nước đã chia buồn với Nga sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Trong điện chia buồn gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trung Quốc phản đối mọi hình thức khủng bố, kịch liệt lên án các vụ tấn công khủng bố và kiên định ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ Nga nhằm bảo vệ sự ổn định và an ninh quốc gia”.

Cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lên án “vụ tấn công khủng bố man rợ” tại Moskva. Trên mạng xã hội X, ông Modi viết: “Ấn Độ đoàn kết với chính phủ và nhân dân Liên bang Nga trong thời khắc khó khăn này”.

Chú thích ảnh
Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp khẩn cấp để bỏ phiếu về bản dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất nhằm kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza, ngày 22/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ và EU gây áp lực buộc Israel ngừng bắn ở Gaza

Mỹ đã chấm dứt hàng thập kỷ ủng hộ mạnh mẽ cho Israel tại Hội đồng Bảo an LHQ khi ngày 21/3 đã đệ trình dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hamas ở Gaza. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an LHQ đã không thông qua nghị quyết này trong cuộc bỏ phiếu sáng 22/3 (giờ Mỹ), trong đó Algeria, Trung Quốc và Nga bỏ phiếu chống.

Hiện chưa rõ liệu một cuộc bỏ phiếu khác có diễn ra hay không và khi nào. Pháp cho biết họ sẽ nỗ lực soạn thảo nghị quyết ngừng bắn của riêng mình sau khi nghị quyết của Mỹ thất bại.

Mỹ đã đàm phán về từ ngữ của nghị quyết được đề xuất với chính phủ Ai Cập và Qatar trước khi đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ để bỏ phiếu. Hãng tin AP đưa tin, một phiên bản của nghị quyết được lưu hành vào đầu ngày 21/3 đã liên kết việc ngừng giao tranh với việc thả các con tin bị Hamas bắt giữ ở Gaza. Tuy nhiên, phiên bản sửa đổi được đưa ra bỏ phiếu vào 22/3 không đưa ra điều kiện tiên quyết nào như vậy cho “sự bắt buộc phải ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài”.

Vào tháng 2 vừa qua, Mỹ là quốc gia duy nhất trong Hội đồng Bảo an phủ quyết một nghị quyết tương tự, nói rằng việc kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động đối đầu quân sự sẽ cản trở các cuộc đàm phán về con tin.

Động thái mới nhất của Mỹ diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ và Israel. Với hơn 30.000 thường dân Palestine thiệt mạng ở Gaza do chiến dịch quân sự của Israel nhằm đáp trả cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội nước này gần đây đã  gia tăng áp lực lên Thủ tướng Benjamin Netanyau để thay đổi chiến thuật của mình.

Các động thái ngoại giao tại LHQ diễn ra khi các nhà lãnh đạo EU họp tại Brussels kêu gọi “tạm dừng nhân đạo ngay lập tức để dẫn đến lệnh ngừng bắn bền vững” ở Gaza. Họ cũng kêu gọi “trả tự do vô điều kiện cho tất cả các con tin” và kêu gọi Israel không tiến hành kế hoạch tấn công lớn trên bộ vào thành phố phía nam Rafah, nơi hơn một triệu người Palestine đã tìm nơi ẩn náu để tránh chiến tranh.

EU cho biết một cuộc tấn công như vậy sẽ "làm tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc trở nên tồi tệ hơn và ngăn cản việc cung cấp các dịch vụ cơ bản và hỗ trợ nhân đạo cần thiết cấp bách".

Lời kêu gọi ngừng bắn được đưa ra khi các cuộc đàm phán ngừng bắn do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian sẽ tiếp tục ở Doha, tập trung vào một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài khoảng sáu tuần, cho phép thả 40 con tin Israel để đổi lấy hàng trăm người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel. Trở ngại chính là Hamas nói rằng họ sẽ chỉ thả con tin như một phần của thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, trong khi Israel cho biết họ sẽ chỉ thảo luận về việc ngừng bắn tạm thời.

Chú thích ảnh
Nga và Ukraine tuần qua đã tăng cường tấn  công cơ sở năng lượng của nhau. Ảnh: Sputnik

Nga và Ukraine leo thang tấn công cơ sở năng lượng của nhau 

Tuần qua, Nga và Ukraine đã tăng cường sử dụng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) để tấn công xuyên biên giới nhằm vào các mục tiêu của nhau. Theo hãng tin AP, Nga ngày 22/3 đã tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa quy mô lớn vào các cơ sở năng lượng của Ukraine, một trong những cuộc tấn công lớn nhất dưới hình thức này trong cuộc chiến kéo dài hơn hai năm, khiến hơn một triệu người mất điện ở một số khu vực.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày xác nhận Nga đã tấn công bằng 90 tên lửa và 60 máy bay không người lái, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi các đối tác phương Tây cung cấp hệ thống phòng không.

Trước đó các quan chức Ukraine cho biết thủ đô Kiev ngày 21/3 đã hứng chịu loạt tên lửa, trong đó có hai tên lửa siêu vượt âm Kinzhal lần đầu tiên sau vài tuần. Không quân Ukraine báo cáo rằng lực lượng Nga đã phóng hai tên lửa đạn đạo Iskander và 29 tên lửa hành trình Kh-101 từ 11 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS xuất phát tại Volgodonsk, vùng Rostov và Engels, Saratov. Tổng thống Zelensky tuyên bố rằng hệ thống Patriot và các hệ thống phòng không khác do phương Tây cung cấp có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo của Nga nhưng lưu ý rằng Ukraine hiện không có đủ các hệ thống này để bao phủ các khu vực khác của Ukraine.

Hệ thống phòng không Ukraine cũng thông báo đã bắn hạ 17 trong số 22 UAV của Nga nhắm mục tiêu vào 9 khu vực ở Ukraine.

Về phần mình, các quan chức Nga ngày 22/3 cho biết một người chết và ít nhất ba người bị thương trong vụ pháo kích của Ukraine vào các khu vực gần biên giới. Trong khi đó, truyền thông Ukraine và phương Tây đưa tin Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) đã tiến hành một cuộc tấn công bằng UAV nhằm vào căn cứ không quân Engels của Nga ở tỉnh Saratov vào ngày 20/3, trong bối cảnh có thêm dấu hiệu cho thấy các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine ở Nga đang đạt được những tác động bất đối xứng hạn chế đối với tài sản quân sự và kinh tế của Nga. 

Ukraine cũng sử dụng UAV để tấn công các nhà máy lọc dầu ở Nga nhằm làm gián đoạn đáng kể công suất hoạt động của chúng. Bloomberg đưa tin vào ngày 20/3 rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine có thể đã vô hiệu hóa tới 11% tổng công suất lọc dầu của Nga.
Sự leo thang xung đột xảy ra trong bối cảnh các lực lượng Nga đang tấn công trở lại sau khi vượt qua cuộc phản công của Ukraine vào năm ngoái. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và ông Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump tiếp tục mạch thắng trước cuộc tổng tuyển cử

Ngày 20/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden của đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa tiếp tục giành thêm chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tổ chức tại bang Kansas và bang Illinois dưới hình thức bỏ phiếu kín.  

Tại bang Kansas, đương kim Tổng thống Biden giành được 83,9% số phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ, tạm thời giành được 26/33 phiếu đại biểu của bang. Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump được 75,1% số phiếu bầu và giành trọn 39 phiếu đại biểu của bang miền Trung Tây này trong cuộc bỏ phiếu của đảng Cộng hòa.     

Tương tự tại bang Illinois, Tổng thống Biden được 91,3% số phiếu ủng hộ, tạm thời giành 97/147 phiếu đại biểu của bang. Trong khi đó, chính khách tỷ phú Trump được 80% số phiếu bầu, tạm thời giành 49/64 phiếu đại biểu của bang này.

Riêng tại bang Florida, cựu Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ tổ chức tại bang dưới hình thức bỏ phiếu kín. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, ông Trump được 81% số phiếu bầu và giành trọn 125 phiếu đại biểu của bang này. Trong khi đó, cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ tại bang miền Nam này đã bị hoãn lại.

Ngoài ra, trong ngày 19/3 cũng diễn ra bầu cử sơ bộ tại các bang Ohio và Arizona. Tại bang Ohio, ông Biden giành được 87,4% số phiếu ủng hộ, tạm thời giành được 93 trên tổng số 127 phiếu đại biểu của bang này. Trong khi đó, bên phía đảng Cộng hòa, ông Trump đạt 78,3% số phiếu bầu, giành trọn 79 phiếu đại biểu của bang miền Trung Tây này. Kết quả kiểm phiếu tại Arizona sẽ được công bố sau cùng.      

Trước vòng bầu cử này, cả ông Biden và ông Trump đều đã gom đủ số phiếu đại biểu cần thiết để được đề cử làm ứng cử viên của đảng mình ra tái đấu với nhau trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Tính đến hết ngày 20/3, ông Biden có tổng cộng 2.342 phiếu đại biểu, vượt quá ngưỡng 1.968 phiếu đại biểu cần thiết để được đảng Dân chủ đề cử, trong khi ông Trump có 1.580 phiếu đại biểu, bỏ xa mốc 1.215 phiếu để được đảng Cộng hòa đề cử.

Chú thích ảnh
Biến đổi khí hậu có xu hướng diễn biến phức tạp. Ảnh: AFP/TTXVN

Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp

Ngày 21/3, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết mực nước biển đã dâng 76mm trong giai đoạn 2022-2023, gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2021-2022, do hiện tượng thời tiết El Nino mạnh và khí hậu ấm lên. Bên cạnh đó, yếu tố con người rõ ràng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này. 

Bà Nadya Vinogradova Shiffer, Phụ trách nhóm theo dõi mực nước biển của NASA và chương trình vật lý đại dương ở Washington, cho biết với tốc độ hiện tại, mực nước biển trung bình toàn cầu đang trên đà tăng thêm 20 cm từ nay đến năm 2050. Con số này sẽ cao gấp đôi trong 3 thập kỷ tới so với thế kỷ trước, khiến lũ lụt xảy ra thường xuyên với mức độ thảm khốc hơn trong tương lai so với hiện nay. 

Trong khi đó, nhiệt độ toàn cầu đã "phá vỡ" kỷ lục nắng nóng vào năm ngoái, khi các đợt nắng gay gắt hoành hành khiến băng tan cũng kỷ lục, LHQ cho biết ngày 19/3, cảnh báo năm 2024 có thể còn nóng hơn nữa, theo AFP. Báo cáo Tình trạng Khí hậu hàng năm của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ xác nhận dữ liệu sơ bộ cho thấy năm 2023 cho đến nay là năm nóng nhất từng được ghi nhận.

Và năm ngoái là một phần của “giai đoạn 10 năm nóng nhất được ghi nhận”, WMO cho biết, với nhiệt độ thậm chí còn nóng hơn dự kiến trong thời gian tới. Người đứng đầu cơ quan giám sát khí hậu của WMO Omar Baddour nói với các phóng viên: “Có khả năng cao là năm 2024 sẽ lại phá kỷ lục của năm 2023”.

Giám đốc WMO Celeste Saulo lưu ý rằng biến đổi khí hậu không chỉ về nhiệt độ: “Những gì chúng ta chứng kiến vào năm 2023, đặc biệt là với sự ấm lên chưa từng có của đại dương, sự biến mất của các dòng sông băng và sự tan băng ở Nam Cực, là nguyên nhân gây ra mối lo ngại đặc biệt”.

Bà Saulo nói thêm: “Cuộc khủng hoảng khí hậu là thách thức rõ ràng mà nhân loại phải đối mặt và có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc khủng hoảng bất bình đẳng”. WMO chỉ ra rằng số người được coi là mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi, từ 149 triệu người trước đại dịch COVID-19 lên 333 triệu vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên, tổ chức này đã nêu bật một “tia hy vọng”: sự gia tăng sản xuất năng lượng tái tạo. Năm ngoái, công suất sản xuất năng lượng tái tạo - chủ yếu từ năng lượng mặt trời, gió và thủy điện - đã tăng gần 50% kể từ năm 2022. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh vẫn còn thời gian để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kéo dài. Theo ông Guterres, thế giới vẫn có cơ hội “tránh được tình trạng hỗn loạn khí hậu tồi tệ nhất”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Lý do Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ hậu thuẫn về Gaza
Lý do Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ hậu thuẫn về Gaza

Mặc dù nghị quyết thất bại không đi kèm với bất kỳ cơ chế thực thi nào, nhưng đây có lẽ là nghị quyết mạnh mẽ nhất liên quan đến cuộc chiến của Israel ở Gaza mà Mỹ đã đồng ý ủng hộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN