Phiên tòa cáo buộc ông Trump 34 tội danh
Tuần qua dư luận Mỹ “dậy sóng” trước việc ông Donald Trump trình diện trước tòa, sau khi trở thành cựu Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị truy tố.
14h15 ngày 4/4 (theo giờ chuẩn Miền Đông Mỹ), tại Tòa án Hình sự Manhattan, cựu Tổng thống Trump đã bị cảnh sát bắt giữ, chụp hình, lấy dấu vân tay theo thủ tục rồi bị truy tố tại tòa.
Tại tòa, ông Trump đã bị cáo buộc tổng cộng 34 tội danh, tố cáo ông và những người khác đã vi phạm quy định bầu cử khi tìm cách ngăn chặn việc xuất bản thông tin tiêu cực về ông trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, trong đó có cả khoản thanh toán 130.000 USD cho nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels.
Mỗi cáo buộc hình sự mà ông Trump đang phải đối mặt đều liên quan đến một thông tin cụ thể được nhập vào hồ sơ kinh doanh của Trump Organization.
Trong phiên tòa kéo dài 55 phút, cựu tổng thống chỉ nói ba lần, một lần ông tuyên bố không nhận tội nào trong cả 34 tội danh bị cáo buộc và hai lần để thừa nhận các quyền của mình với tư cách là bị cáo.
Thẩm phán chủ tọa Juan Merchan đã yêu cầu các nhóm pháp lý hướng dẫn các nhân chứng của họ không đưa ra những tuyên bố có “khả năng kích động bạo lực và bất ổn” cũng như không đưa ra những tuyên bố ảnh hưởng tới pháp quyền.
Ông Merchan đã ấn định phiên tòa điều trần trực tiếp tiếp theo diễn ra vào ngày 4/12, trong khi bên công tố cho biết họ hy vọng vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào tháng 1/2024 - khoảng thời gian diễn ra các bầu cử sơ bộ ở Iowa, nơi ông Trump khi đó sẽ chạy đua với tư cách là ứng cử viên tổng thống.
Kết thúc phiên tòa, cựu Tổng thống Trump đã rời New York trở về Florida. Tại đây, ông đã có bài phát biểu, cho rằng vụ truy tố ông là nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 và vụ kiện này phải bị bác bỏ ngay lập tức.
Vụ truy tố ông Trump đánh dấu một kỷ nguyên mới trong nền chính trị Mỹ. Đó không chỉ là bản cáo trạng đầu tiên đối với một cựu tổng thống, mà còn là vụ truy tố hình sự ứng cử viên hàng đầu của đảng đối lập (vào thời điểm hiện tại) trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Mặc dù luật không cấm ông Trump trở thành ứng cử viên tổng thống, ngay cả khi ông phải đối mặt với cáo buộc hình sự, nhưng có thể làm gián đoạn chiến dịch tranh cử.
NATO có thành viên thứ 31
Ngày 4/4 vừa qua, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kỷ niệm 74 năm thành lập với dấu ấn lịch sử khi Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
Tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto đã hoàn tất thủ tục gia nhập với việc ký và bàn giao văn kiện chính thức cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Trong một phát biểu sau đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc Phần Lan gia nhập sẽ tăng cường cả khả năng phòng thủ của NATO và an ninh của Phần Lan.
Một trong những lợi ích lớn nhất mà Phần Lan sẽ được hưởng khi gia nhập NATO là được bảo vệ theo Điều 5 trong Hiến chương của liên minh. Nguyên tắc phòng thủ tập thể quy định một cuộc tấn công chống lại một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các nước NATO.
Trong khi đó, với việc kết nạp Phần Lan, NATO sẽ có thêm cho mình một quân đội hiện đại và thêm sức mạnh pháo binh, trên không và trên biển.
Phần Lan và Thuỵ Điển đã chấm dứt chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập kỷ và quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO năm ngoái. Để chính thức trở thành thành viên của NATO, đơn xin gia nhập của hai nước này phải được toàn bộ 30 nước thành viên liên minh phê chuẩn. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh. Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết chính phủ nước này sẽ “không ngừng” có động thái để Thụy Điển cũng được gia nhập NATO.
Về phần mình, hãng thông tấn TASS dẫn phát biểu ngày 4/4 của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh việc Phần Lan gia nhập NATO làm tăng nguy cơ xung đột tại Ukraine tiếp tục leo thang. Điện Kremlin tuyên bố sẽ buộc phải thực hiện "các biện pháp đáp trả" đối với diễn biến mới này.
Căng thẳng Israel-Liban leo thang
Căng thẳng giữa Israel và người Palestine gia tăng sau khi cảnh sát Israel bắt giữ hơn 350 người Palestine trong cuộc đụng độ tại đền Al-Aqsa (mà Israel gọi là Núi Đền) ở Đông Jerusalem vào sáng sớm ngày 5/4. Cuộc đụng độ diễn ra trong bối cảnh Israel bắt đầu bước vào tuần lễ Quá hải, trong khi người Palestine đang ở trung tuần của tháng lễ Ramadan, hai dịp lễ linh thiêng nhất đối với người Do Thái và người Hồi giáo.
Ngày 7/4, Israel đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhóm vũ trang Hamas ở miền Nam Liban và Dải Gaza để đáp trả các vụ phóng tên lửa trước đó từ 2 khu vực này. Chỉ vài giờ sau đó, một vụ nổ súng đã xảy ra ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, khiến 2 phụ nữ thiệt mạng và 1 người bị thương nặng.
Ngay lập tức, Israel đã tăng cường lực lượng quân đội ở gần biên giới với Liban và Dải Gaza khi tình hình bạo lực có nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Người phát ngôn của quân đội Israel cho biết các lực lượng bộ binh và pháo binh bổ sung đã được điều đến các bộ chỉ huy phía Bắc và phía Nam nhằm đề phòng “các tình huống có thể xảy ra”.
Pháp-Trung sẵn sàng thúc đẩy hòa đàm Ukraine
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm cấp nhà nước chính thức Trung Quốc từ ngày 5-7/4. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Macron đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Tập Cận Bình.
Trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, bên cạnh quan hệ song phương trên các lĩnh vực thương mại, khí hậu, hai nguyên thủ quốc gia thảo luận về tình hình Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định bất chấp bối cảnh quốc tế đang thay đổi và không ổn định, Trung Quốc và Pháp đã cùng nhau hợp tác để duy trì đà tăng trưởng tích cực và lành mạnh trong quan hệ song phương.
Đề cập đến việc Trung Quốc và Pháp là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, ông Tập Cận Bình tuyên bố cả Trung Quốc và Pháp đều ủng hộ một thế giới đa cực và dân chủ hơn trong quan hệ quốc tế. Ông nhấn mạnh hai nước có khả năng và trách nhiệm vượt lên trên những khác biệt và trở ngại, đi theo định hướng chung là quan hệ đối tác chiến lược ổn định, cùng có lợi vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.
Theo một quan chức thuộc Điện Elysee, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Macron và Chủ tịch Trung Quốc đã diễn ra "thẳng thắn và mang tính xây dựng". Hai nhà lãnh đạo kêu gọi tiến hành hòa đàm để giải quyết vấn đề Ukraine "càng sớm càng tốt".
Nguồn tin ngoại giao của Pháp cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Pháp trong việc "thúc đẩy mạnh mẽ" để đạt được cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Theo nguồn tin, ông Tập cũng tuyên bố sẵn sàng điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodmyr Zelensky vào thời gian riêng. Trong khi đó, Tổng thống Macron đã kêu gọi Trung Quốc không cung cấp bất cứ thứ gì mà Nga có thể sử dụng "trong cuộc chiến ở Ukraine".