Nóng trong tuần: Lãnh đạo Nga - Mỹ điện đàm; Thái Lan có Nội các mới; Tổng thống Trump ký 'siêu dự luật'

Các điểm nóng trên bản đồ thế giới tuần qua ghi nhận nhiều diễn biến đáng chú ý: Tổng thống Nga – Mỹ điện đàm lần thứ 6 kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ 2; “Siêu dự luật” cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện chính thức được Tổng thống Trump ký thành luật; Bà Paetongtarn tiếp tục có mặt trong Nội các mới sau khi bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng Thái Lan; Hamas phản hồi tích cực với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN.

Tổng thống Nga – Mỹ điện đàm lần thứ 6 kể từ khi ông Trump trở lại trong nhiệm kỳ 2

Theo Trợ lý Điện Kremlin, ông Yury Ushakov, vào hôm 3/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một cuộc điện đàm thẳng thắn kéo dài gần một giờ đồng hồ.

Ông Ushakov cho biết, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về việc thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa Moskva và Kiev trong cuộc đàm phán trực tiếp gần đây tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, hai bên cũng đã thảo luận về các vấn đề quốc tế như Iran, Syria cũng như quan hệ song phương Nga – Mỹ trên nhiều lĩnh vực.

Điện Kremlin xác nhận rằng Tổng thống Trump đã kêu gọi Tổng thống Nga chấm dứt các hành động thù địch tại Ukraine “càng sớm càng tốt”. Trong khi Tổng thống Putin tái khẳng định Moskva sẵn sàng các cuộc đàm phán. “Tổng thống Nga cho biết Moskva sẽ nỗ lực đạt được các mục tiêu của mình – cụ thể là loại bỏ những 'nguyên nhân gốc rễ' đã dẫn đến tình trạng hiện nay, dẫn đến cuộc đối đầu gay gắt mà chúng ta đang chứng kiến. Nga sẽ không từ bỏ những mục tiêu này”, Trợ lý tổng thống Nga nói rõ.

Bình luận với phóng viên trước khi lên chuyên cơ Không lực Một vào hôm 3/7, Tổng thống Trump cũng đã xác nhận về cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, đó là một cuộc gọi khá dài và hai bên đã nói về nhiều vấn đề, ngoài cuộc chiến ở Ukraine còn có cả vấn đề Iran. Khi được hỏi liệu cuộc điện đàm có giúp tiến gần hơn đến một thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine hay không, ông Trump trả lời: “Không, hôm nay tôi hoàn toàn không đạt được tiến triển nào với ông ấy cả”.

Nhận xét về cuộc điện đàm trên, Trợ lý Ushakov nhận định: “Cuộc điện đàm giữa hai tổng thống, như mọi khi, cho thấy họ có sự đồng thuận. Cuộc thảo luận thẳng thắn, mang tính xây dựng và cụ thể. Hai tổng thống tất nhiên sẽ tiếp tục liên lạc và sẽ có cuộc trò chuyện khác trong thời gian tới”.

“Siêu dự luật” cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện chính thức được Tổng thống Trump ký thành luật

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện tại Nhà Trắng, ngày 4/7/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tổng thống Donald Trump ngày 4/7 (theo giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "dự luật to lớn, đẹp đẽ” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.

Đạo luật cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện trị giá 4.500 tỷ USD là gói chính sách mang tính biểu tượng của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, giúp ông thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2024.

Việc ký ban hành đạo luật trên đã khép lại một quá trình kéo dài nhiều tháng, trong đó cả Hạ viện và Thượng viện cùng công khai tranh cãi về việc liệu đảng Cộng hòa có nên cố gắng thông qua các ưu tiên chính sách trong nước của Tổng thống Trump trong một dự luật hay chia thành hai dự luật. Những người Cộng hòa ôn hòa và bảo thủ cũng tranh luận gay gắt về mức độ cắt giảm các chương trình an sinh xã hội liên bang cũng như mức độ khấu trừ đối với thuế bang và địa phương.

Đạo luật này, dài gần 900 trang, bao gồm các khoản giảm thuế, cắt giảm chi tiêu, hủy bỏ tín dụng thuế năng lượng mặt trời, đưa ra các khoản đầu tư mới cho quốc phòng và hoạt động trục xuất người nhập cư trái phép.

Trước đó, gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện của Tổng thống Trump được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 1/7 với tỷ lệ bỏ phiếu sít sao 51-50, trong đó lá phiếu của Phó Tổng thống JD Vance nắm vai trò quyết định. Sau đó, dự luật trở lại Hạ viện và được thông qua ngày 3/7 với tỷ lệ 218 phiếu thuận và 214 phiếu chống sau nhiều ngày diễn ra các cuộc tranh luận trong nội bộ đảng Cộng hòa và sự phản đối của các Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ. Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa đã thảo luận suốt đêm và Tổng thống Trump phải nỗ lực vận động một số ít người còn hoài nghi để thuyết phục họ rút lại sự phản đối.

Phát biểu tại Nhà Trắng trước khi ký thành luật, Tổng thống Trump nhấn mạnh nước Mỹ có rất nhiều điều để ăn mừng Ngày Độc lập, đồng thời khẳng định “nước Mỹ đang chiến thắng, chiến thắng, chiến thắng chưa từng có".

Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đã chính thức thực hiện việc cắt giảm thuế một cách vĩnh viễn. Ông xem đây là đợt cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử của nước Mỹ và sau khi đạo luật có hiệu lực, nước này sẽ trở thành “một con tàu vũ trụ, về mặt kinh tế".

Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), hoạt động theo nguyên tắc phi đảng phái, cho biết luật mới của Tổng thống Trump được dự đoán sẽ làm tăng nợ quốc gia thêm 3.300 tỷ USD trong thập kỷ tới. CBO cũng ước tính rằng 11,8 triệu người có thể mất bảo hiểm y tế do các khoản cắt giảm đối với Chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập thấp (Medicaid) và các điều khoản khác của luật.

Bà Paetongtarn tiếp tục có mặt trong Nội các mới sau khi bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng Thái Lan

Chú thích ảnh
Ngày 3/7/2025, các bộ trưởng nội các vừa được cải tổ của Thái Lan đã tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô Bangkok, sau khi được Quốc vương Thái Lan phê duyệt ngày 1/7, trong đó có bà Paetongtarn Shinawatra (trong ảnh), với cương vị mới là Bộ trưởng Văn hóa. Ảnh: THX/TTXVN

Sáng 3/7, các bộ trưởng nội các mới của Thái Lan đã tập trung tại Tòa nhà Chính phủ ở thủ đô Bangkok để tuyên thệ nhậm chức, trước khi đảm nhiệm nhiệm vụ của mình.

Buổi lễ tuyên thệ diễn ra sau khi nội các mới đã được Quốc vương Thái Lan phê duyệt và được công bố trên Công báo Hoàng gia vào ngày 1/7, chỉ vài giờ trước khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra quyết định đình chỉ nhiệm vụ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra trong thời gian tòa xem xét vụ kiện yêu cầu bãi nhiệm Thủ tướng.

Tổng cộng có 14 bộ trưởng nội các tham dự buổi lễ, bao gồm cả bà Paetongtarn - với cương vị mới là Bộ trưởng Văn hóa. Các bộ trưởng được chuyển sang nắm giữ vai trò mới gồm: Bộ trưởng Nội vụ Phumtham Wechayachai; Bộ trưởng Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới Sudawan Wangsuphakijkosol; Bộ trưởng Giáo dục Narumon Pinyosinwat. Trong khi đó, các bộ trưởng mới được bổ nhiệm gồm: Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Suchart Tancharoen; Bộ trưởng Thương mại Jatuporn Buruspat; Bộ trưởng Lao động Pongkawin Jungrungruangkit; Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Attakorn Sirilattayakorn. Ngoài ra, còn có một số thứ trưởng mới được bổ nhiệm.

Chiều cùng ngày, quyền Thủ tướng Suriya Jungrungreangkit triệu tập cuộc họp nội các đặc biệt để thảo luận việc phân bổ trách nhiệm giữa các phó thủ tướng và một số bộ trưởng, cùng một số vấn đề quan trọng khác. Trong cuộc họp này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Phumtham Wechayachai được bổ nhiệm làm Thủ tướng lâm thời, điều hành chính phủ trong thời gian bà Paetongtarn đang bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng.

Ông Phumtham, 71 tuổi, thành viên đảng Vì nước Thái (Pheu Thai), từng giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại dưới thời chính phủ của cựu Thủ tướng Srettha Thavisin. Ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng sau khi bà Paetongtarn trở thành Thủ tướng Thái Lan vào tháng 8/2024. Trong cuộc cải tổ nội các vừa qua, ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ, thay thế vị trí của Lãnh đạo đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai) Anutin Charnvirakul sau khi đảng này rút khỏi liên minh cầm quyền.

Vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan tạm thời do Đại tướng Nattaphon Narkphanit, Thứ trưởng Quốc phòng, phụ trách. Trả lời báo giới ngày 2/7, Tướng Nattaphon khẳng định công tác an ninh quốc gia vẫn tiếp tục như thường lệ.

Hamas phản hồi tích cực với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin - cơ hội chấm dứt xung đột kéo dài với Israel

Chú thích ảnh
Ngôi nhà của người Palestine bị phá huỷ sau vụ không kích của Israel xuống trại tị nạn al-Shati, phía Tây thành phố Gaza, ngày 4/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tối 4/7, một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israel. Theo đó, phản hồi của Hamas đã được chuyển tới các nhà trung gian Qatar và Ai Cập. Quan chức này nói thêm rằng phản hồi từ phía Hamas sẽ giúp “tạo điều kiện để đạt được một thỏa thuận” giữa phong trào này và Israel.

Hamas cũng thông báo việc đã hoàn tất các cuộc tham vấn nội bộ với các phe phái Palestine khác liên quan đến đề xuất mới nhất của các nhà trung gian nhằm chấm dứt cuộc xung đột, đồng thời nhấn mạnh nhóm vũ trang này “hoàn toàn sẵn sàng bước vào vòng đàm phán mới” dựa trên đề xuất ngừng bắn nói trên. Hamas cũng yêu cầu Mỹ đóng vai trò là bên chính thức đảm bảo việc chấm dứt chiến tranh một cách vĩnh viễn.

Trước đó, vào ngày 3/7, truyền thông Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đưa tin, các nhà lãnh đạo cấp cao của Hamas đã có mặt tại thủ đô Cairo của Ai Cập để đàm phán với giới chức nước này về các chi tiết và mốc thời gian của một loạt vấn đề, bao gồm việc rút quân đội Israel khỏi các khu vực ở Gaza mà họ đã chiếm giữ sau khi lệnh ngừng bắn trước đó bị phá vỡ vào tháng 3/2025. Các bên cũng xem xét cơ chế nối lại hoạt động cung cấp và phân phối viện trợ nhân đạo cho Gaza, nơi hàng trăm nghìn người đang phải đối mặt với nạn đói và tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu đang ngày càng trầm trọng. Các quan chức Hamas và Ai Cập cũng thảo luận chi tiết về đề xuất đưa những người Palestine bị thương rời khỏi Gaza để điều trị y tế cũng như việc các quan chức cấp cao của Hamas sẽ sống lưu vong ở nước ngoài.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông hy vọng sẽ nhận được câu trả lời của Hamas có đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn mới hay không trong vòng 24 giờ. Đề xuất bao gồm việc thả 10 con tin còn sống và trao trả 18 thi thể con tin trong thời gian ngừng bắn kéo dài 60 ngày. Ngoài ra, Israel sẽ thả 1.000 tù nhân Palestine cùng với 1.111 người khác ở Gaza bị bắt sau ngày 7/10/2023. Trong thời gian này, hai bên sẽ tiến hành đàm phán với mục tiêu chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến.

Cùng lúc đó, một quan chức Ai Cập cho hay các nhà trung gian từ Ai Cập, Qatar và Mỹ sẽ đưa ra các đảm bảo về đàm phán chấm dứt xung đột, nhưng phía Israel không cam kết về điều này. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir - người đã phản đối gay gắt bất kỳ thỏa thuận nào trong suốt cuộc xung đột tại Gaza - đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich "hợp lực" để ngăn chặn một thỏa thuận với Hamas. Trong khi đó trước đó, trong một bài viết trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Israel đã đồng ý với các điều khoản của lệnh ngừng bắn 60 ngày và Washington sẽ làm việc với cả hai bên trong thời gian 2 tháng này để cố gắng chấm dứt cuộc xung đột.

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump nhiều chiến thắng nhưng cũng không ít rủi ro
Nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump nhiều chiến thắng nhưng cũng không ít rủi ro

Theo Bloomberg, sau năm tháng trở lại Nhà Trắng, “chuyến tàu” nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump đang chạy với tốc độ chóng mặt, đem theo hàng loạt thay đổi sâu rộng đúng như những gì ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử, song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN