Nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump nhiều chiến thắng nhưng cũng không ít rủi ro

Theo Bloomberg, sau năm tháng trở lại Nhà Trắng, “chuyến tàu” nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump đang chạy với tốc độ chóng mặt, đem theo hàng loạt thay đổi sâu rộng đúng như những gì ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử, song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về chính sách chấm dứt đánh thuế tiền tip tại Las Vegas vào ngày 25/1/2025. Ảnh: Getty Images

Thắng lợi của ông Trump từ “siêu dự luật” đến đối ngoại, siết nhập cư

Hôm 3/7, Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua dự luật ngân sách khổng lồ trị giá 3.400 tỷ USD - được ông Trump gọi là “dự luật to, đẹp”. Đạo luật mới được ông Trump đặt bút ký trong ngày 4/7 sẽ gia hạn các khoản giảm thuế từ nhiệm kỳ trước, miễn thuế tiền tip, tiền làm thêm, đồng thời rót hơn 150 tỷ USD vào chiến dịch siết nhập cư và xây dựng tường biên giới. Đây là chiến thắng lập pháp mới nhất của ông Trump trong chuỗi các chiến thắng liên tiếp kể từ khi nhậm chức ngày 20/1.

Tổng thống Trump cũng đã chứng kiến ​​Tòa án Tối cao có những quyết định để hạ thấp những rào cản, giúp nhà lãnh đạo Mỹ mở rộng quyền hạn nhánh hành pháp của mình. Ông cũng giành được nhượng bộ nhất định từ các trường đại học danh tiếng của Mỹ – vốn nằm trong tầm ngắm vì bị chỉ trích có tư tưởng không phù hợp và chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu từ phía chính quyền liên bang.

Về nhập cư, các vụ vượt biên tại biên giới Tây Nam giảm 93% tính đến hết tháng 5. Ông Trump cũng không ngần ngại tổ chức “lễ ăn mừng” một trung tâm giam giữ mới tại vùng đầm lầy cá sấu ở Florida, bất chấp làn sóng phản đối lan rộng sau khi ông triển khai Vệ binh Quốc gia tới Los Angeles để ngăn chặn biểu tình.

Trên mặt trận đối ngoại, ông Trump bất ngờ ra lệnh không kích cơ sở hạt nhân Iran mà gần như không phải đối mặt với phản ứng quá mạnh từ các bên liên quan. Tại châu Âu, các lãnh đạo NATO đã họp ở The Hague và cam kết tăng chi tiêu quốc phòng theo yêu cầu bấy lâu nay từ ông Trump.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Dan Caine thảo luận về cuộc tấn công của Mỹ vào Iran tại Lầu Năm Góc vào ngày 22/6. Ảnh: Getty Images

“Nhìn xem, đây là một kết quả ấn tượng. Sáu tháng đầu nhiệm kỳ Trump 1.0 hỗn loạn thế nào, thì giờ lại ngược lại. Có một câu nói rằng không gì chuẩn bị cho việc làm tổng thống tốt bằng chính việc làm tổng thống”, ông Terry Sullivan, chiến lược gia đảng Cộng hòa nhận xét.

Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn chưa thể hiện thực hóa được cam kết chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến Nga - Ukraine khi mà cả Kiev và Moskva tiếp tục các cuộc không kích lẫn nhau trong khi tiến trình “tan băng” của quan hệ ngoại giao Mỹ - Nga chưa thực sự đạt được tiến bộ vượt bậc.

Loạt rủi ro còn hiện hữu

Cuộc chiến của Tổng thống Trump với các trường đại học - một phần trong chiến dịch chống các chương trình đa dạng, công bằng, hòa nhập (DEI) – vẫn còn tiềm ẩn rủi ro dài hạn. Ông Trump dường như đang bế tắc với Harvard, và tuần trước, một thẩm phán Mỹ đã chặn nỗ lực của chính quyền trong việc ngăn sinh viên quốc tế nhập học. Bên cạnh đó, những chính sách của chính quyền đương nhiệm được đánh giá là sẽ phần nào ảnh hưởng đến thương hiệu các trường hàng đầu Mỹ cũng như khả năng thu hút chất xám toàn cầu đến nước này.

Ngoài ra, hiệu ứng từ các đợt cắt giảm việc làm liên bang do Ban Hiệu quả chính phủ (DOGE) cũng chưa rõ. Trong khi, một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet cho thấy cắt giảm ngân sách USAID có thể khiến hàng triệu người tại các quốc gia kém phát triển thiệt mạng, ảnh hưởng đến “sức mạnh mềm” của Mỹ.

Sau khởi đầu dồn dập, các sáng kiến mới của chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ chậm lại trong nửa cuối năm đầu nhiệm kỳ hai. Ưu tiên sắp tới của ông Trump là tập trung vào dỡ bỏ quy định, và tái cơ cấu ưu tiên chi tiêu. Điều này có thể làm giảm vai trò của Quốc hội trong việc kiểm soát ngân sách nhưng lại phù hợp với định hướng mở rộng quyền lực nhánh hành pháp của ông Trump.

Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu của Mỹ gần như không quá nhiều thay đổi hàng thập kỷ qua, thậm chí là ngay cả trong cuộc chiến tranh thương mại nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ hai của mình, ông Trump đã biến điều này thành “tàu lượn siêu tốc”, khi mức thuế nhập khẩu tăng vọt, đạt đỉnh 27,5% vào hồi tháng 4, rồi lại hạ xuống 12,6% sau khi có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng với nhiều nền kinh tế. Ông đặt hạn chót 9/7 cho các nước đạt thỏa thuận thương mại mới, song chưa rõ các nước sẽ phản ứng ra sao với các mức thuế mà ông Trump cảnh báo tái áp dụng trong tuần tới.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Một ưu tiên lớn khác của ông Trump là lựa chọn nhân sự Chủ tịch mới cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Ông Trump và đội ngũ của mình đã tăng cường công kích nhắm vào Chủ tịch đương nhiệm của Fed là ông Jerome Powell - người sẽ hết nhiệm kỳ năm tới - vì giữ lãi suất ở mức cao. Ông Trump muốn chọn người kế nhiệm ông Powell để giúp hạ lãi suất, nhưng có thể sẽ làm suy yếu tính độc lập của Fed và khiến thị trường trái phiếu lo ngại.

Ông Powell vào tuần này cho biết Fed có thể đã tiến hành giảm lãi suất nếu không có các mức thuế quan cao của Tổng thống Trump. Ông cũng dự báo lạm phát của Mỹ sẽ tăng trong mùa Hè năm nay do chính sách thuế quan trên. Bên cạnh đó, dự luật thuế mới, không chỉ làm tăng thâm hụt ngân sách, mà còn có thể thúc đẩy lạm phát về lâu dài.

Rủi ro chính trị và bài toán tái đắc cử

Bất chấp nhiều rủi ro, ông Trump vẫn có thể khẳng định đã thực hiện hầu hết những gì đã cam kết, nhanh hơn những gì mà nhiều người dự đoán. Trợ lý của ông Trump cho biết điều này không bất ngờ vì họ đã chuẩn bị những nền tảng từ những năm còn chưa trở lại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, việc thực hiện nhanh và nhiều không đồng nghĩa là sẽ được lòng cử tri. Các nhà kinh tế cảnh báo “đạo luật to, đẹp” sẽ làm phình to nợ công và gia tăng bất bình đẳng, đồng thời cắt giảm mạnh các chương trình an sinh xã hội – vốn là chỗ dựa của nhiều cử tri tầng lớp lao động, nhóm đã giúp Tổng thống Trump thu hút họ về phía Đảng Cộng hòa. Tỷ lệ ủng hộ ông Trump đã giảm từ 52% hồi tháng 1 xuống 46% hiện nay, trong bối cảnh lạm phát tiếp tục là mối lo của hộ gia đình Mỹ. Một khảo sát của YouGov giữa tháng 6 cho thấy 55% người Mỹ cho rằng ông Trump cần chịu trách nhiệm cho tình hình kinh tế hiện tại.

Chú thích ảnh
Những người ủng hộ ông Trump tại bang Wisconsin - nơi đang diễn ra Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa ngày 15/7/2014. Ảnh: THX/TTXVN

“Thách thức lớn nhất khi triển khai quá nhiều việc cùng lúc là giữ tập trung vào mục tiêu cuối cùng – đó là kiểm soát lạm phát và chi tiêu hộ gia đình, thứ đã đưa ông Trump quay lại Nhà Trắng”, chiến lược gia Cộng hòa David Winston nhận định.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ bắt đầu có dấu hiệu “hồi phục”, xem việc Tổng thống Trump thông qua “dự luật thân tỷ phú, cắt phúc lợi” là cơ hội tấn công đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Điện Kremlin phản ứng trước việc Tổng thống Trump ‘không hài lòng’ sau điện đàm với Tổng thống Putin
Điện Kremlin phản ứng trước việc Tổng thống Trump ‘không hài lòng’ sau điện đàm với Tổng thống Putin

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Liên bang Nga đang “rất chú ý” đến mọi tuyên bố từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN