Nóng trong tuần: Giá vàng thế giới giảm; El Nino tạm chia tay thế giới

Trong tuần qua, báo chí thế giới đã đưa đậm thông tin về kết quả một số cuộc bầu cử quan trọng, giá vàng thế giới giảm, hiện tượng El Nino tạm kết thúc.

Giá vàng thế giới theo đà giảm

Chú thích ảnh
Vàng miếng được giới thiệu tại sàn giao dịch vàng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Vàng đã tăng đà giảm giá vào ngày 7/6 sau khi báo cáo việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến đã dập tắt kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong năm nay. Điều này góp phần làm tăng thêm tâm lý giảm giá do dữ liệu cho thấy Trung Quốc đã ngừng mua vàng thỏi trong tháng 5.

Vàng giao ngay giảm khoảng 3% xuống còn 2.304,54 USD/ounce vào lúc 17h57 GMT (0 giờ 57 phút sáng 8/6 giờ Việt Nam). Giá hợp đồng tương lai vàng của Mỹ giảm 2,8% xuống còn 2.325 USD.
Như vậy, trong tuần vừa qua, vàng đã giảm gần 1%, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Bị cuốn vào dòng trượt giá của vàng, bạc giảm 6,6% xuống 29,25 USD/ounce, bạch kim giảm hơn 3,6% ở mức 967,05 USD và paladi mất 2,2% xuống 909,06 USD.

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy đã có 272.000 việc làm được tạo ra trong tháng 5 vừa qua, cao hơn con số 185.000 việc làm mà giới chuyên gia dự kiến. Dữ liệu này cũng thúc đẩy đồng USD tăng giá, khiến vàng thỏi trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Các quan chức Fed cho biết họ cần thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang giảm dần theo mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương khi cân nhắc thời điểm cắt giảm lãi suất.

Trong khi đó, ông Ole Hansen tại ngân hàng đầu tư Đan Mạch Saxo Bank AS đánh giá rằng Trung Quốc chưa đến ngưỡng ngừng mua vàng. Theo ông, việc tạm dừng mua vàng củaTrung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang chùn bước trước viễn cảnh phải trả mức giá cao kỷ lục. Nhu cầu về vàng thỏi của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) xuất hiện khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tìm cách đa dạng hóa nguồn dự trữ và đề phòng tiền tệ mất giá. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, lượng mua vàng trong quý đầu tiên của các tổ chức công trên thế giới đã ở mức kỷ lục, trong đó Trung Quốc là nước mua lớn nhất.

Nhiều cuộc bầu cử quan trọng có kết quả

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Gandhinagar ngày 10/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào ngày 7/6 đã chính thức được bầu làm lãnh đạo Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA). NDA do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Modi lãnh đạo đã giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử quốc gia. Sau diễn biến này, ông Modi phát biểu: “Liên minh này của chúng tôi phản ánh đúng tinh thần của Ấn Độ”.

Năm nay là lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của ông Modi, đảng BJP dựa vào hỗ trợ từ các đồng minh nhỏ hơn để thành lập chính phủ.

Tối cùng ngày, Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu đã chỉ định lãnh đạo Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) Narendra Modi làm Thủ tướng và đề nghị ông thành lập chính phủ mới để tuyên thệ nhậm chức vào tối 9/6. Tổng thống Murmu đã trao thư bổ nhiệm cho ông Modi tại Phủ Tổng thống ở thủ đô New Delhi.

Nhà lãnh đạo 73 tuổi sẽ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng vào ngày 9/6 cho nhiệm kỳ thứ ba. Dinh tổng thống, hay Rashtrapati Bhavan, dự kiến sẽ đón tiếp 8.000 người đến dự lễ tuyên thệ của ông vào lúc 6 giờ chiều 9/6 (giờ địa phương). Họ bao gồm những nhân vật nổi bật thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, như nguyên thủ quốc gia nước ngoài, luật sư, bác sĩ, nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội…

Trong một diễn biến khác, Viện Bầu cử quốc gia Mexico (INE) vào hôm 6/6 đã công bố kết quả kiểm phiếu chính thức của ngày tổng tuyển cử 2/6. Theo đó, cựu Thị trưởng Mexico City Claudia Sheinbaum đã giành chiến thắng trước hai ứng cử viên còn lại. Như vậy, bà Claudia Sheinbaum sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử quốc gia Mỹ Latinh này.

Bà Claudia Sheinbaum chỉ được chính thức công nhận là người thắng cử trong cuộc bầu cử hôm 2/6 sau khi được Tòa án Bầu cử Tư pháp Liên bang Mexico (TEPJF) phê chuẩn. Theo kế hoạch, bà Claudia Sheinbaum sẽ nhậm chức vào ngày 1/10.

Một quốc gia khác có kết với bầu cử với nữ giới trở thành người lãnh đạo là Iceland. Nữ doanh nhân Halla Tomasdottir đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của quốc gia châu Âu này. Bà Tomasdottir sẽ nhậm chức vào ngày 1/8 tới. Cuộc bầu cử tổng thống lần này tại Iceland có sự tham gia của 12 ứng cử viên và chỉ diễn ra một vòng duy nhất.

Hàn Quốc-Triều Tiên căng thẳng vì bóng bay mang rác

Chú thích ảnh
Bóng bay mang theo rác được phát hiện tại Incheon (Hàn Quốc) ngày 2/6. Ảnh: Yonhap

Quân đội Hàn Quốc cho biết họ đang cảnh giác về khả năng có thêm nhiều quả bóng bay mang rác từ Triều Tiên đến vào ngày 9/6.

Từ hôm 28/5, Triều Tiên đã thả hàng trăm quả bóng bay kèm rác bay đến Hàn Quốc. Ngày 26/5, Triều Tiên tuyên bố sẽ rải “núi giấy lộn và rác” ở khu vực biên giới nhằm đáp trả Hàn Quốc rải tờ rơi tuyên truyền chống Bình Nhưỡng.

Dưới đây là video về những quả bóng bay mang theo rác rơi tại Hàn Quốc (nguồn: Reuters):

Sau khi thả gần 1.000 quả bóng bay, Triều Tiên thông báo ngừng hành động này vào ngày 2/6. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng đe dọa sẽ gửi "số lượng giấy lộn và rác rưởi gấp trăm lần" để đáp trả bất kỳ hoạt động phát tờ rơi nào nữa từ Hàn Quốc, làm dấy lên lo ngại rằng chiến dịch này có thể tái diễn.

Vài ngày sau, một nhóm Hàn Quốc có tên “Những người đấu tranh cho Triều Tiên tự do” cho biết họ đã thả 10 quả bóng bay mang nhạc K-pop và 200.000 tờ rơi chống lại nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trước các vụ thả bóng bay của Triều Tiên, vào ngày 4/6, nội các Hàn Quốc đã thông qua quyết định đình chỉ hoàn toàn Thỏa thuận Quân sự Toàn diện với Bình Nhưỡng. Trên thực tế, Chính phủ Hàn Quốc đã đình chỉ một phần thỏa thuận này vào tháng 11/2023 sau khi Triều Tiên phóng thành công một vệ tinh trinh sát quân sự.

Căng thẳng về hình thức tuyên truyền này từng làm nóng khu vực Bán đảo Triều Tiên trong quá khứ. Vào năm 2020, viện dẫn về các truyền đơn chống Triều Tiên từ Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã đơn phương cắt đứt mọi liên lạc liên lạc chính trị và quân sự chính thức với Seoul, đồng thời cho nổ tung một văn phòng liên lạc liên Triều không còn sử dụng ở biên giới.

Thế giới tạm chia tay El Nino

Chú thích ảnh
Lòng sông Ganges ở Prayagraj, Ấn Độ khô nứt nẻ do hạn hán kéo dài. Ảnh: AFP/TTXVN

El Nino, cơn ác mộng khủng khiếp ở Thái Bình Dương, đang trên đà kết thúc, nhưng thế giới có thể không có nhiều thời gian để “nghỉ ngơi”. Theo thông tin Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố ngày 3/6, El Nino - hiện tượng tự nhiên khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên và gây ra nhiều hiện tượng cực đoan trên khắp thế giới vào năm 2023 và 2024 - sắp kết thúc. Vậy nhưng, WMO cảnh báo tác động của El Nino sẽ tiếp diễn trong vài tháng nữa.

Phó Tổng thư ký WMO Ko Barrett nhận xét: “El Nino kết thúc không đồng nghĩa với tạm dừng, trong tình trạng biến đổi khí hậu lâu dài, hành tinh của chúng ta sẽ tiếp tục ấm lên”.

Có khả năng La Nina sẽ thay thế El Nino vào cuối năm nay nhưng hiện tượng này khó có thể khiến nhiệt độ giảm nhiều, bởi tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến hành tinh ở trạng thái quá nóng.

La Nina thường bắt đầu vào khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9. Cả La Nina và El Nino Hai thường kéo dài từ chín tháng đến một năm và xảy ra không đều đặn từ hai đến bảy năm một lần.

Chín năm vừa qua đều tạo kỷ lục ấm nhất, bất chấp ảnh hưởng hạ nhiệt của đợt La Nina kéo dài trong ba năm liên tiếp (2020-2021-2022).

El Nino, chính thức bắt đầu vào tháng 6/2023, đạt đến đỉnh điểm vào tháng 12 cùng năm và tiếp diễn cho đến tháng 5/2024. Theo WMO, đây là một trong những đợt mạnh nhất được ghi nhận, mặc dù ít dữ dội hơn siêu El-Nino năm 1982-1983, 1997-1998 và 2015-2016.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNN, Bloomberg, Yonhap)
Nóng trong tuần: Bước ngoặt trên đường đua vào Nhà Trắng; Rủi ro gia tăng tại Trung Đông
Nóng trong tuần: Bước ngoặt trên đường đua vào Nhà Trắng; Rủi ro gia tăng tại Trung Đông

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị kết tội hình sự; Israel tiến sâu vào lãnh thổ Rafah; Diễn đàn Shangri La khởi động; nắng nóng thiêu cháy Nam Á và Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật là những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN