Tác động của tình trạng tăng lượng khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng sẽ nghiêm trọng hơn trong năm 2024 khi El Nino diễn ra theo chu kỳ làm suy giảm khả năng hấp thụ CO2 của các cánh rừng nhiệt đới. Met tin rằng điều này sẽ dẫn khiến nồng độ CO2 trung bình năm 2024 tăng đáng kể, dự báo nồng độ CO2 được đo tại trạm quan sát Manna Loa ở Hawaii sẽ cao hơn so với năm 2023 khoảng 2,84 ppm. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh điều này đồng nghĩa rằng thế giới sẽ chệch lộ trình do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ) đặt ra nhằm kiềm chế sự ấm lên toàn cầu ở mức không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Mục tiêu tham vọng này đã được các nước nhất trí trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (năm 2015).
Chuyên gia của Met đồng thời là tác giả của dự báo trên, ông Richard Betts, nhận định thực tế cho thấy thế giới ngày càng khó có thể thực hiện được mục tiêu này. Về mặt kỹ thuật, con người vẫn có thể làm được điều này nếu ngay lập tức giảm đáng kể lượng khí thải, nhưng các kịch bản mà IPCC sử đụng để vạch ra lộ trình trên dựa trên giả thiết rằng sự tích tụ khí thải CO2 trong bầu khí quyển đã bắt đầu chậm lại. Các nhà khoa học cảnh báo thế giới đang tiến gần hơn tới giai đoạn năm nào cũng ấm lên ít nhất là 1,5 độ C. IPCC khuyến cáo nếu lượng khí thải tiếp tục duy trì xu thế như hiện tại, thế giới sẽ vượt mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C vào đầu những năm 2030. Theo chuyên gia Betts, dựa trên tình hình tích tụ khí CO2 hiện nay thì không có dấu hiệu nào cho thấy thế giới có thể tránh được kịch bản này.
Tuần trước, Tổ chức khí tượng thế giới của LHQ xác nhận năm 2023 là năm ấm nhất từng được ghi nhận, với mức nhiệt chênh lệch rất lớn, khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng năm cao hơn 1,45 độ C so với các mức trong thời kỳ tiền công nghiệp. Năm nay có thể còn nóng hơn vì hiện tượng thời tiết El Nino, xuất hiện vào giữa năm 2023, thường làm tăng nhiệt độ toàn cầu trong vòng 1 năm sau đó.
El Nino cũng khiến cho nhiệt độ cao hơn và khô hơn ở các khu rừng nhiệt đới và vùng đầm lầy, làm giảm khả năng hấp thụ CO2 từ khí quyển. Thông thường, khoảng 50% lượng khí thải toàn cầu thải ra bầu khí quyển được các hệ sinh thái rừng nhiệt đới và các đại dương hấp thụ trở lại. Tuy nhiên, chuyên gia Richard Betts cho biết vòng tuần hoàn tự nhiên này bị suy yếu khi El Nino xảy ra, làm cho lượng khí thải sẽ tồn tại trong bầu khí quyển năm nay nhiều hơn. Ông cũng đặc biệt lưu ý về tình trạng hạn hán, nắng nóng và hỏa hoạn nghiêm trọng tại các khu vực của rừng Amazon.
Các chuyên gia của LHQ ước tính trong thập kỷ này, thế giới cần phải giảm gần 50% lượng khí thải để có thể kiềm chế mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C. Tuy nhiên, thực tế là ô nhiễm CO2 vẫn tiếp tục tăng lên. Chuyên gia Richard Betts cho biết ngay cả khi không có hiệu ứng El Nino, lượng CO2 tích tụ trong khí quyển ước tính sẽ thường xuyên ở các mức rất cao so với các kịch bản 1,5 độ C của IPCC. Ông nhấn mạnh tất cả các con đường khả thi để duy trì giới hạn 1,5 độ C đều liên quan đến việc “cắt giảm khí thải khẩn cấp”.