Tuy nhiên, trong bối cảnh Trái Đất ấm lên trong những năm gần đây, nhiệt độ tại Sreemangal đã tăng cao, thậm chí chạm mốc 39 độ C vào tháng 5 vừa qua, trong khi lượng mưa chỉ bằng 50% so với các mức thông thường. Điều này không chỉ làm giảm năng suất chè tại Sreemangal mà còn khiến du khách không còn "mặn mà" tới ngắm mưa, sông hồ và những vườn chè đẹp như tranh như trước đây.
Tổng Thư ký Tổ chức Dịch vụ du lịch Sreemangal, ông Kazi Shamsul Haque, buồn bã chia sẻ dù giá dịch vụ giảm tới 60% trong mùa thu hoạch chè này cũng không đủ hấp dẫn du khách tới tham quan do hạn hán và nắng nóng và đây chính là một thiệt hại lớn đối với thủ phủ chè của Bangladesh. Ông cho biết dù bản thân đã nghe nhiều đến biến đổi khí hậu, song hiện ông và những người dân Sreemangal mới thực sự cảm nhận tác động của nó.
Có thể nói những người hái chè tại Sreemangal là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do hạn hán và nắng nóng ngày càng trầm trọng. Bà Mini Hazra, một người chuyên hái chè tại Barawura - một trong những đồi chè ở Sreemangal, cho biết thông thường bà có thể hái tới 50-60 kg búp chè mỗi ngày, nhưng năm nay, bà chỉ có thể thu hoạch 15kg, ảnh hưởng lớn đến thu nhập cá nhân. Bà tâm sự việc hái chè dưới nắng nóng khiến bà cảm thấy kiệt sức và làn da bỏng rát, không hề giống những trải nghiệm trước đây của bà.
Theo các nhà nghiên cứu, nắng nóng gay gắt không chỉ ảnh hưởng đến những người lao động tại các vườn chè, mà ngay cả cây chè. Ông Md. Abdul Aziz, nhà khoa học chính tại Viện nghiên cứu chè Bangladesh, cho biết cây chè phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 15-25 độ C và có thể tiếp tục đâm chồi khi nhiệt độ ở mức 29 độ C. Tuy nhiên, các mốc nhiệt kỷ lục tăng lên mỗi năm, từ 36 và 37 độ C trong 2 năm qua và tới 39 độ trong năm nay, đã vượt quá sức chịu đựng của cây, khiến năng suất giảm xuống.
Giáo sư nông học Romij Uddin tại Đại học Nông nghiệp Bangladesh cho biết nhiệt độ tăng kéo theo các vấn đề sâu bệnh ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là nhện đỏ ăn lá, đòi hỏi phải sử dụng thuốc trừ sâu để tiêu diệt. Nắng nóng, sâu bệnh và thiếu mưa khiến các búp chè mới không thể đâm chồi.
Ông Rony Bhowmick, quản lý vườn chè Sreemangal Clonal cho biết nếu hàng năm, sản lượng thu hoạch vào thời gian này thường đạt 4,5 tấn chè mỗi ngày, thì năm nay sản lượng chỉ vào khoảng 2,5 tấn (giảm gần 45%).
Hội đồng chè Bangladesh - cơ quan giám sát sản xuất chè tại quốc gia Nam Á này, nhận định sản lượng thu hoạch trên cả nước năm nay cũng sẽ sụt giảm do nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, ông Muhammad Madhul Kabir Chowdhury, Phó Giám đốc phụ trách thương mại của Hội đồng chè Bangladesh cho rằng do hầu hết chè của nước này được tiêu thụ trong nước nên sản lượng thu hoạch giảm sẽ không ảnh hưởng đến thị trường chè thế giới.