Trong hơn hai thập niên qua, vùng nông thôn Ấn Độ đã phải đối mặt với tình trạng nhiều nông dân tự vẫn do hạn hán kéo dài nhiều năm liên tiếp, mùa màng thất bát và thức ăn chăn nuôi đắt đỏ dẫn đến nợ nần và khủng hoảng về tinh thần.
Số liệu thống kê từ Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) có trụ sở tại London (Anh) cho biết, gần 11.000 nông dân Ấn Độ đã tự kết liễu đời mình vào năm 2021, tương đương với mức trung bình khoảng 30 trường hợp mỗi ngày.
Các nhà nghiên cứu trong tuần này đã kêu gọi đẩy mạnh kế hoạch việc làm nông thôn, bảo hiểm mùa màng và chăm sóc sức khỏe tâm thần để giảm bớt tình trạng đau khổ và tự sát ngày càng tăng trong cộng đồng nông nghiệp ở giai đoạn người nông dân như ông Bheda vật lộn với bất ổn về khí hậu.
Trong một báo cáo mới liên kết tình trạng thiếu hụt lượng mưa với tỷ lệ nông dân tự tử cao ở những bang dễ bị hạn hán của Ấn Độ, các nhà nghiên cứu đánh giá biến đổi khí hậu đang khiến “nông nghiệp trở nên cực kỳ rủi ro, tiềm ẩn nguy hiểm và thua lỗ”.
IIED cho biết nông dân nằm trong các nhóm có nguy cơ tự tử cao nhất ở Ấn Độ do hạn hán tái diễn ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của họ.
Nhà kinh tế học Madhura Swaminathan tại Viện Thống kê Ấn Độ có trụ sở ở Bengaluru, cho biết cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ giữa các vụ tự tử và biến đổi khí hậu để lên kế hoạch giúp nông nghiệp Ấn Độ tăng khả năng chống chịu khí hậu. Bà Ritu Bharadwaj, nhà nghiên cứu chính của IIED, lưu ý rằng các tác động của biến đổi khí hậu là “số nhân căng thẳng”. Đặc biệt, chúng đang làm trầm trọng thêm áp lực kinh tế đối với nông dân thông qua hạn hán tái diễn.
Bà Ritu Bharadwaj bổ sung rằng mặc dù hạn hán không phải là một vấn đề mới, nhưng “biến đổi khí hậu đã khiến chúng trở nên khốc liệt hơn và thường xuyên hơn, đồng thời làm tăng phạm vi bao phủ về mặt địa lý”.
Theo điều tra dân số gần đây nhất của Ấn Độ vào năm 2011, hơn 250 triệu người dân Ấn Độ, hay gần một nửa lao động, đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới nông nghiệp. Đại đa số họ phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập từ làm nông. Báo cáo của IIED cho biết cần có những biện pháp can thiệp mới để bảo vệ cộng đồng này khi Trái Đất ấm lên. IIED đồng thời lưu ý rằng các hệ thống cảnh báo sớm và chính sách bảo hiểm có thể bảo vệ chống lại thời tiết khắc nghiệt.
Đối với những người nông dân như ông Bheda, một vụ mùa thất bát đồng nghĩa với bất hạnh. Trong 4 năm qua, người nông dân sống tại huyện Sikar, bang Rajasthan này đã vay 4 triệu rupee từ chủ nợ và ngân hàng địa phương để vượt qua vụ mùa thất thu, mua thức ăn cho bò và trả các khoản nợ khác.
“Chúng tôi chỉ phụ thuộc vào nông nghiệp, chúng tôi không có nguồn thu nhập khác và tôi cũng chẳng có kỹ năng nào khác” ông Bheda bộc bạch. Năm 2022, một đợt lạnh và gió mùa khiến ông thất thu kê và lạc. Ông chia sẻ: “Tôi lấy khoản vay này để trả cho khoản vay khác. Nếu tôi không làm vậy, ngân hàng sẽ tịch thu đất của tôi”.
Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một số chương trình hỗ trợ dành cho nông dân, bao gồm bảo hiểm mùa màng và chương trình đảm bảo việc làm nông thôn. Trong những năm gần đây, các nhóm môi trường đã trang bị cho một số cộng đồng nông nghiệp thông tin thời tiết và cảnh báo qua tin nhắn văn bản, cũng như hạt giống có khả năng phục hồi để canh tác.
Các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp của chính phủ Ấn Độ cũng đưa ra lời khuyên dựa trên thời tiết đối với cây trồng. Tuy nhiên, hạn hán vẫn buộc nhiều nông dân phải di cư đến các thành phố để làm việc, trong khi một số người không tìm thấy lối thoát và tự kết liễu đời mình.
Bà Bharadwaj của IIED cho biết nhóm của bà đã nghiên cứu mô hình lượng mưa từ năm 2014 đến năm 2021 ở các bang Chhattisgarh, Karnataka, Madhya Pradesh, Maharashtra và Telangana nơi ghi nhận số vụ tự tử của nông dân cao nhất và phát hiện có nhiều trường hợp tự tử hơn trong thời kỳ có lượng mưa dưới mức bình thường.
Bà Bharadwaj giải thích: “Khí hậu là một yếu tố. Nhưng những yếu tố dễ bị tổn thương như nghèo đói, mù chữ, thiếu mạng lưới an sinh xã hội hoặc kiến thức về cách tiếp cận chúng đã kết hợp với nhau để tạo ra một tình huống khó khăn”.