Kể từ khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) xác nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở một người đàn ông Massachusetts vào ngày 18/5, quốc gia này đã chứng kiến làn sóng các ca mắc gia tăng liên tục lên tới hơn 11.000 người.
Tiến sĩ John Goldman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, trả lời kênh CGTN của Trung Quốc rằng đại học, cao đẳng là những môi trường lý tưởng để virus đậu mùa khỉ lây lan qua đường tiếp xúc. Bởi lẽ, sinh viên đại học thường xuyên tụ tập và có nhiều tiếp xúc cơ thể với nhau.
Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng ban đầu gồm sốt và đau mỏi cơ, sau đó xuất hiện nốt phát ban và tổn thương trên da. Các nghiên cứu ban đầu nhận thấy đợt bùng phát này chủ yếu tập trung ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.
Giờ đây, căn bệnh vốn bắt nguồn ở châu Phi này đã gần như trở thành một mối đe dọa toàn cầu mới, và trong đó, Mỹ là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về số ca mắc bệnh.
Ba tháng sau khi bệnh đậu mùa khỉ bùng phát tại Mỹ, chính phủ liên bang ngày 4/8 đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia.
Chính sách đối phó của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với bệnh đậu mùa khỉ đã chịu nhiều chỉ trích, bao gồm phản ứng ban đầu chậm trễ cũng như không kịp thời triển khai xét nghiệm, thu thập dữ liệu và tiêm chủng.
Nhà dịch tễ học Katelyn Jetelina nhận xét rằng nước Mỹ có thể ngăn chặn được bệnh đậu mùa khỉ, nhưng cơ hội này đang khép dần vì các biện pháp đối phó chậm trễ của Chính phủ Mỹ. Bà đặc biệt chỉ ra rằng căn bệnh này không giống như COVID-19, nó đã được biết đến từ những năm 1970 và đã có sẵn các công cụ đối phó.
Giới chuyên gia y tế cho biết với tình trạng tắc nghẽn trong khâu xét nghiệm ở Mỹ, khả năng phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ chỉ được giải quyết ở mức rất thấp.
Báo New York Times (NYT) ngày 16/8 cho hay các quan chức ở ít nhất 20 tiểu bang và khu vực của Mỹ đã phàn nàn về việc nguồn cung cấp vaccine phòng bệnh đang trở nên khan hiếm.
Ngày 19/7, một lô hàng gồm 5.000 liều vaccine đậu mùa khỉ được vận chuyển từ kho dự trữ quốc gia ở Mississippi đến Fort Lauderdale, Florida, nhưng cuối cùng lại dừng chân tại Oklahoma. Sau đó, lô vaccine này lại bị chuyển nhầm đến Tennessee và Mississippi, trước khi có thể đến đích ban đầu.
Trong khi đó ở Minnesota, một lô 800 liều vaccine đậu mùa khỉ đã biến mất không rõ nguyên nhân trong quá trình vận chuyển dài hơn 96 giờ, và cuối cùng bị tuyên bố là không sử dụng được.
Bà Claire Hannan, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà quản lý tiêm chủng, cho biết tình trạng lộn xộn về vaccine đang xảy ra ở khắp nơi. Bà cũng nói thêm rằng phản ứng của Chính phủ Mỹ là không hiệu quả và mức độ thất vọng của những nhân viên y tế cấp địa phương đã tăng cao chưa từng thấy.
Do thiếu khả năng tiếp cận với xét nghiệm và tiêm chủng, các nhóm thiểu số đang phải gánh chịu hậu quả từ các ca bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ.
Người Mỹ gốc Tây Ban Nha và người Mỹ da đen, tương ứng với 19% và 13% dân số, đã lần lượt chiếm 31% và 27% trong tổng số ca bệnh đậu mùa khỉ tính đến ngày 28/7.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 12/8, bệnh đậu mùa khỉ đã lan tới 92 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, với hơn 34.000 ca mắc bệnh và 12 trường hợp tử vong. Châu Âu và châu Mỹ là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine hạn chế trên toàn cầu, các nhà chức trách đang chạy đua để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ trước khi căn bệnh này bùng phát thành đại dịch.