Giới quan sát đánh giá cao nhà hóa sinh người Hungary Katalin Kariko và nhà miễn dịch học người Mỹ Drew Weissman - những người đã có nghiên cứu tiên phong, trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của vaccine theo công nghệ mRNA đầu tiên chống lại đại dịch COVID-19, đã được hai hãng dược phẩm Mỹ là Pfizer và Moderna ứng dụng sản xuất.
Chuyên gia Ulrika Bjorksten - người phụ trách lĩnh vực thông tin khoa học của Đài phát thanh công cộng Thụy Điển - nhấn mạnh rằng: "Không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho chúng ta trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đây còn là nghiên cứu đầu tiên, mở đường cho một loạt triển vọng ứng dụng công nghệ này trong tương lai".
Nhiều ý kiến cho rằng 2 nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman có thể sẽ được vinh danh cùng nhà hóa sinh Pieter Cullis (người Canada) - cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực mRNA.
Ở một quan điểm khác, nhà báo Linus Brohult của Đài Truyền hình quốc gia Thụy Điển (SVT) cho rằng dù hàng tỷ liều vaccine theo công nghệ mRNA đã được sử dụng trên thế giới nhưng các nhà khoa học nói trên khó có thể nhận được giải Nobel, khi "các ủy ban Nobel có truyền thống tôn vinh các nghiên cứu đã tồn tại hàng thập kỷ". Ngoài ra, ông Brohult cũng lưu ý rằng vaccine mRNA vẫn đang trong quá trình phát triển và có thể được sử dụng trong các lĩnh vực khác nữa như phòng chống ung thư. Nhà báo này nhận định: “Vaccine mRNA có thể chứng tỏ tiềm năng lớn hơn nữa trong trong một vài năm tới và những nhà khoa học tham gia quá trình phát triển này sẽ còn tiếp tục mở rộng".
Những ứng cử viên tiềm năng đang được nhà báo Brohult nhắm tới là nhà sinh học phân tử người Mỹ Bonnie Bassler - một chuyên gia về sự kết nối giữa các tế bào, hoặc Giáo sư công nghệ hóa học Zhenan Bao của Đại học Stanford - nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa đã cùng các cộng sự phát minh ra "da điện tử nhân tạo" bằng cách phát triển vật liệu cho các mạch co giãn và pin linh hoạt.
Một lĩnh vực khác cũng liên quan đến da đang gây sự chú ý là công nghệ mô do bộ 3 nhà khoa học người Mỹ là Cato Laurencin, Kristi Anseth và Robert Langer cùng phát triển. Công trình này được biết đến với việc phát triển các công nghệ cho phép đưa thuốc trực tiếp đến các mô bị bệnh mà không cần sử dụng kim tiêm hoặc các biện pháp xâm lấn khác.
Trong khi đó, chuyên gia David Pendlebury - thuộc công ty phân tích Clarivate Analytics, chuyên dõi theo các ứng cử viên Nobel trong lĩnh vực khoa học - đánh giá cao nhà khoa học Carolyn Bertozzi (người Mỹ). Theo ông Pendlebury, nhà khoa học nữ này "đã đặt ra thuật ngữ và giúp phát triển thứ mà ngày nay được gọi là hóa học sinh học", trong đó đề cập các phản ứng hóa học xảy ra bên trong các cơ thể sống mà không can thiệp các quá trình sinh hóa. Chuyên gia Pendlebury dự đoán bà Bertozzi sẽ chia sẻ giải Nobel Hóa học 2022 với ông Stephen J. Lippard (người Mỹ) - một chuyên gia về vai trò của các ion kim loại trong sinh học, ví dụ như ứng dụng phát triển các phương pháp điều trị ung thư.
Các gương mặt ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Hóa học năm nay còn có hai nhà khoa học người Nhật Bản là Susumu Kitagawa và Makoto Fujita, cùng nhà khoa học người Mỹ gốc Jordan Omar Yaghi. Họ là những người đã tiên phong trong lĩnh vực phát triển khung kim loại hữu cơ cho phép lưu trữ một lượng lớn khí đốt mà không cần áp suất cao.
Ngoài ra, nhà khoa học Barry Sharpless (Mỹ) cũng đang được kỳ vọng để đạt được kỳ tích hiếm hoi là giành được giải Nobel thứ 2 (sau lần đầu tiên vào năm 2001) với phản ứng hóa học "click", một thuật ngữ do ông đặt ra đề cập đến việc sử dụng các phân tử dễ dàng liên kết với nhau.
Xét về thành tích cá nhân, trong lịch sử giải Nobel mới chỉ có 4 nhà khoa học từng 2 lần đoạt giải Nobel. Đầu tiên phải kể đến nhà khoa học nữ Marie Curie (người Pháp gốc Ba Lan) nhận giải Nobel Vật lý năm 1903 và Nobel Hóa học năm 1911. Kế đến là nhà hóa học người Mỹ Linus Pauling được trao giải Nobel Hóa học năm 1954 và giải Nobel Hòa bình năm 1962, khiến ông trở thành người duy nhất được trao tới 2 lần trong lịch sử tồn tại giải Nobel mà không chia sẻ giải thưởng với người khác.
Tiếp nối là kỹ sư điện người Mỹ John Bardeen, được trao giải Nobel Vật lý 2 lần trong các năm 1956 và 1972. Cuối cùng là nhà hóa sinh người Anh Frederick Sanger (1918-2013) từng được trao 2 giải Nobel Hóa học trong các năm 1958 và 1980, cũng là người duy nhất đạt được kỳ tích 2 lần nhận giải Nobel Hóa học.
Chủ nhân của giải Nobel Hóa học 2022 sẽ được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm công bố vào khoảng 16h45 chiều 5/10.
Năm ngoái, giải thưởng này đã vinh danh hai nhà khoa học Benjamin List (người Đức) và David MacMillan (người Mỹ) với công trình khoa học nghiên cứu sự phát triển chất hữu cơ bất đối xứng làm xúc tác.