Dẫn lời chia sẻ của nghệ sĩ diễn xiếc Kim Chan-su, báo StraitsTimes cho biết ông phải làm thêm nghề giao nhận đồ ăn mới đủ trang trải cuộc sống.
Khi không diễn trên sân khấu, ông nhận giao đồ ăn, thức uống từ gà rán cho đến cà phê trên chiếc xe SUV Huyndai Tucson. Công việc làm thêm này của ông Kim bắt đầu từ trưa tới qua nửa đêm.
Ngay cả khi quần quật với hai việc cùng lúc, thu nhập của người nghệ sĩ có 24 năm tuổi nghề diễn xiếc này vẫn thấp hơn rất nhiều so với trước đại dịch, thời điểm ông chỉ có làm một nghề. Trong những tháng cao điểm, ông Kim kiếm được 4,5 triệu won nhờ công việc giao nhận.
“Tôi không thấy hạnh phúc về điều đó. Để kiếm sống, tôi không còn sự lựa chọn nào khác”, người nghệ sĩ 43 tuổi bày tỏ.
Những người như ông Kim đang ngày càng nhiều. Họ không được tính vào nhóm người thất nghiệp chiếm tỷ lệ 4,2% dân số. Do đại dịch COVID-19, nhiều người giảm thu nhập do làm việc ít giờ hơn hoặc chuyển từ hình thức lao động toàn thời gian sang bán thời gian.
Năm nay, số người có việc làm nhưng muốn kiếm thêm do thu nhập không đủ tăng đột biến. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 ở Hàn Quốc, con số này đã tăng lên mức kỷ lục 1,2 triệu người, tăng 55% so với một năm trước đó và hơn gấp đôi so với năm 2015.
Nhà nghiên cứu Yi Junga tại Cổng Thông tin Việc làm Hàn Quốc cho biết: “Điều đó phản ánh người lao động nhận thấy thu nhập của mình không đủ. Có vẻ như khá nhiều người đã chuyển từ lao động toàn thời gian sang bán thời gian”.
Theo các bảng thăm dò tư nhân gần đây, từ trước đến nay, người Hàn Quốc không có thói quen làm thêm công việc thứ hai nhiều như người Mỹ hoặc Canada. Nhưng hiện nay, mối quan tâm của người Hàn Quốc đối với các công việc tạm thời như giao nhận hàng hóa, buôn bán tăng dần lên.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến của cổng thông tin việc làm JobKorea thực hiện vào tháng trước đối với 642 người làm công ăn lương, 84% cho biết họ muốn tìm một công việc thứ hai . Một cuộc thăm dò ý kiến khác của cổng thông tin việc làm trực tuyến Incruit với 1.599 người tham gia cho thấy 13,5% người được hỏi đã có công việc thứ hai, trong khi 35,7% người khác nói rằng họ đang cân nhắc một công việc khác.
Giới trẻ Hàn Quốc đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ "N-job" (đa nghề) để nói về những người lao động làm nhiều việc cùng một lúc. Tuy nhiên, nhu cầu cao khiến sự cạnh tranh trong thị trường việc làm này cũng trở nên khốc liệt.
Sau khi cho con gái đi ngủ, nữ họa sĩ vẽ tranh minh họa 30 tuổi Lee Heeju dành một hoặc hai giờ mỗi ngày để viết một cuốn sách điện tử ngắn về các mẹo mua nhà cho các cặp vợ chồng trẻ. Mỗi cuốn tài liệu PDF được bán với giá 12.000 won cho những độc giả quan tâm. Cô đã sản xuất hai cuốn sách điện tử và đang viết cuốn sách thứ ba. "Tôi không kiếm được nhiều tiền nhưng cũng đủ để mua thêm đồ ăn vặt cho con", cô Lee nói và chia sẻ thêm lĩnh vực này cũng đầy tính cạnh tranh.
Một số người trẻ nghĩ việc làm nhiều việc cùng một lúc đã khiến họ thay đổi quan điểm về công việc chính. Khi bị công ty sa thải vào hồi tháng 4, cô Kim Ji-hyun quyết định đây là thời điểm cần phải chuyển việc.
Tự giới thiệu bản thân là một người “đa nghề”, Kim dậy từ 5h sáng để tìm nguồn hàng, đăng ký sản phẩm trên Amazon và Naver, trả lời tin nhắn của khách hàng trước khi đến văn phòng, làm một nhân viên quảng bá thương hiệu mỹ phẩm từ 10h sáng đến 7h tối.
“Từ lâu tôi đã có kế hoạch này, trước khi cả tôi làm một nhân viên văn phòng. Nhiều người nghĩ làm việc toàn thời gian tại một công ty là ổn định, nhưng tôi lại nghĩ điều hoàn toàn ngược lại”, cô gái 24 tuổi nói.