Những vụ trộm tranh chấn động thế giới

Hai năm mất tích “nụ cười bí ẩn”

Ngày 20/8/1911, Vincenzo Perugia lại bắt đầu một ngày làm việc tại Bảo tàng Louvre nổi tiếng nhất ở Pari (Pháp) như thường lệ. Chỉ có điều hắn ta đến chỗ làm với một âm mưu táo tợn. Sau ca trực, Vincenzo ẩn mình trong một căn phòng suốt đêm hôm đó. Lúc tờ mờ sáng, hắn đã lẻn ra khỏi phòng để tránh bảo vệ rồi lẩn nhẹ nhàng vào khu vực chứa một trong những tài sản quý giá nhất của bảo tàng – đó là bức tranh Mona Lisa nổi tiếng đang treo trên tường. Kiệt tác nghệ thuật thế kỷ 16 của danh họa thiên tài người Italia Leonardo da Vinci vẽ một người phụ nữ với nụ cười bí ẩn được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất thế giới.

Bức tranh Mona Lisa nổi tiếng.

Vincenzo tự nhận mình là một người yêu nước và cho rằng bức tranh trên phải thuộc về một Bảo tàng Italia chứ không phải Bảo tàng Pháp. Hắn nhẹ nhàng gỡ bức tranh ra khỏi móc treo, gỡ bỏ khung tranh và chuồn gọn với bức tranh cuộn trong áo khoác. Bằng một cách nào đó, hắn đã không bị kiểm tra. Lúc hắn bước ra khỏi bảo tàng cũng là lúc hắn bị lịch sử ghi nhận là kẻ thực hiện một trong những vụ trộm nghệ thuật lớn nhất thế kỷ.

Vincenzo Perugia, tên trộm tự xưng là người yêu nước.

Người ta phát hiện ra nàng Mona Lisa biến mất vào ngày hôm sau, ngày 21/8, nhưng không ai báo cảnh sát vì nhân viên bảo tàng đoán rằng bức tranh được mang vào phòng chụp ảnh để tiếp thị. Hôm sau nữa người ta mới thực sự nhận ra rằng bức tranh bị đánh cắp. Lúc đó, họ mới gọi cảnh sát.

Ngay lập tức, bảo tàng sơ tán toàn bộ khách để kiểm tra một cách kỹ lưỡng nhưng cũng không thấy dấu vết bức tranh. Cảnh sát đã thẩm vấn rất nhiều người nhưng không tìm được manh mối gì.

Vụ trộm tranh Mona Lisa đã gây chấn động toàn thế giới, khiến người ta đặt ra vô số giả thiết và có vô số đồn đoán về số phận của nàng Mona Lisa cũng như danh tính thủ phạm.

Một điều ngạc nhiên là một trong số những tin đồn đó nhằm vào danh họa nổi tiếng Pablo Picasso, người thường mua những đồ bị trộm cắp từ một người bạn. Người ta cũng cho rằng ông có thể đã mua bức Mona Lisa. Tuy nhiên, sau khi điều tra, cảnh sát nhận ra rằng Picasso không biết gì về vụ trộm. Thế nhưng, bạn của Picasso, nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire, bị bắt vì tội trộm bức Mona Lisa dù không có một bằng chứng nào. Cảnh sát đã giam Apollinaire khoảng 1 tuần rồi mới thả ông. Dù đã ráo riết điều tra nhưng vụ trộm vẫn là một ẩn số suốt hơn 2 năm trời.

Ngày 10/12/1913, Vincenzo đã dùng tên giả Leonardo Vincenzo để nói chuyện với nhà buôn tranh Alfredo Geri ở Florence, Italia. Vincenzo nói rằng hắn có bức Mona Lisa và muốn bán với giá 500.000 lire. Lúc đầu, Geri nghi ngờ nhưng vẫn muốn xem bức tranh nên đã hẹn gặp Vincenzo ở khách sạn ngày hôm sau.

Geri và Giovanni Poggi – Giám đốc phòng tranh Uffizi ở Florence – đã gặp Vincenzo để nói chuyện về bức tranh. Vincenzo đã khiến cả hai ngạc nhiên khi mở bức tranh Mona Lisa cuộn tròn trong một cái hòm cũ. Geri và Poggi cho biết, họ cần phải kiểm tra bức tranh trước rồi mới có thể mua. Vincenzo đã đưa Mona Lisa cho họ để mang đến một bảo tàng giám định trong khi hắn kiên nhẫn chờ trong phòng khách sạn. Sau khi bức tranh được giám định là thật, cảnh sát đã tóm gọn Vincezo. Hắn không còn cách nào khác là nhận tội.

Tài liệu ghi lại rằng, một kẻ lừa đảo người Áchentina là Eduardo de Valfierno đã xui Vincenzo ăn trộm bức Mona Lisa để hắn có thể bán bức tranh Mona Lisa giả do hắn thuê kẻ giả mạo tranh nghệ thuật người Pháp, Yves Chaudron vẽ. Tuy nhiên, Vincezo lại tuyên bố rằng hắn ăn cắp bức tranh vì muốn bức tranh về với quê hương Italia của nó.

Cảnh sát và Bảo tàng Louvre dường như chẳng quan tâm đến nguyên nhân nàng Mona Lisa bị đánh cắp khi mà họ như trút được gánh nặng vì đã tìm thấy nàng trong tình trạng gần như nguyên vẹn. Vincenzo bị kết án 1 năm 2 tuần ngồi tù – một hình phạt quá nhẹ đối với tội mà hắn đã gây ra.

Cuối cùng, nàng Mona Lisa với nụ cười bí ẩn đã trở lại Bảo tàng Louvre trong sự chào đón hân hoan, long trọng và ngự trên tường bảo tàng cho đến ngày nay. Kể từ vụ trộm, người ta đã tăng cường an ninh tối đa để đảm bảo an toàn cho nàng Mona Lisa.

Vụ cướp tranh tại Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển

Ngày 22/12/2000, ba tên đeo mặt nạ và mang theo súng máy đã cướp Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển ở thủ đô Xtốckhôm lúc bảo tàng này sắp đến giờ đóng cửa. Một trong ba tên đứng ở sảnh, tay lăm lăm khẩu súng nhằm vào nhân viên an ninh, trong khi hai tên kia chạy theo hai hướng để tìm những bức tranh chúng định đánh cắp. Cùng lúc đó, hai chiếc ô tô nổ tung tại hai khu vực trong thành phố.

Bức tranh “Young Parisian” của Renoir.


Chúng sắp đặt hai vụ nổ này để đánh lạc hướng lực lượng an ninh. Âm mưu này của bọn chúng đã lừa được cảnh sát. Họ đã lao ngay đến hiện trường vụ nổ, do đó không thể dồn toàn bộ lực lượng cho vụ cướp ở bảo tàng. Bọn cướp còn rải đinh trên đường để trì hoãn những người truy đuổi chúng.

Chỉ cần vài phút, ba tên đã tẩu thoát với hai bức tranh thuộc trường phái ấn tượng của họa sĩ người Pháp Renoir mang tên “Young Parisian” và “Conversation with the Gardner”, cùng một bức chân dung tự họa của họa sĩ Hà Lan Rembrandt. Ba bức tranh có giá tới 30 triệu USD và không may lại chưa được bảo hiểm.

Chân dung tự họa của Rembrandt.


Sau khi cướp xong, thủ phạm nhảy vào một chiếc thuyền cao tốc đang chờ sẵn ở khu cảng gần bảo tàng và biến vào trong bóng tối. Sự việc xảy ra không khác gì một cảnh trong phim hành động, khiến khách thăm bảo tàng gần như không thể tin nổi khi chứng kiến vụ cướp. Vài tiếng sau, người ta tìm thấy chiếc thuyền của bọn chúng tại một khu vực lân cận ở phía nam thành phố. Vụ cướp được coi là một trong những vụ lớn nhất Thụy Điển.

Thanh tra cảnh sát Thomas Johansson tin rằng bọn cướp có thể tẩu thoát lên bất kỳ hòn đảo nào trong số hàng ngàn đảo ở quần đảo ngoài khơi Xtốckhôm hoặc có thể lẩn vào rừng rậm bao quanh thành phố. Vài ngày sau vụ cướp, cảnh sát nhận được ảnh chụp các bức tranh bị đánh cắp kèm theo một yêu cầu nộp khoản tiền chuộc vài triệu USD.

Chỉ trong vòng 1 tuần, cảnh sát đã tóm gọi 8 tên gồm 7 tên người Thụy Điển và một tên người Nga tuổi từ 19 đến 43 có liên quan đến vụ cướp. Một trong số những kẻ tình nghi là một luật sư hình sự ở Xtốckhôm – người làm trung gian liên lạc giữa bọn cướp và cảnh sát để đòi tiền chuộc. Tòa án Xtốckhôm đã xét xử những kẻ tình nghi, trong đó kết án 2 tên 6 năm tù vì tội cướp có vũ khí, 5 tên còn lại bị phạt tù 4 năm.

Bức “Converstation with the Gardner” đã trở về với bảo tàng, tuy nhiên hai bức còn lại vẫn mất tích. Các nhà điều tra vẫn tiếp tục tìm kiếm hai kiệt tác trên với hi vọng rằng chúng đang trôi nổi đâu đó trên thị trường chợ đen tranh nghệ thuật.

“Tiếng thét” bị đánh cắp

Bức tranh “The Scream” (“Tiếng thét”) là một kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng thế giới của họa sĩ người Nauy Edvard Munch. Bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng Munch ở thủ đô Ôxlô và được coi là một trong những tài sản giá trị nhất của Nauy cho đến khi nó bị đánh cắp trong một vụ trộm liều lĩnh ngay giữa ban ngày hồi tháng 8/2004 cùng với một kiệt tác khác của Munch mang tên “The Madonna”. Vụ trộm đã làm chấn động giới nghệ thuật và làm bùng lên một cuộc săn lùng quy mô toàn thế giới để tìm kho báu nghệ thuật vô giá này.

Kiệt tác “Tiếng thét” nổi tiếng của họa sĩ Munch.


Đây là lần thứ hai bức tranh “Tiếng thét” bị đánh cắp. Lần đầu tiên xảy ra vào tháng 2/1994 trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông ở Lillehammer. Một băng trộm đã đột nhập vào Phòng tranh Quốc gia ở Ôxlô và đánh cắp một trong 4 phiên bản của bức tranh. Kẻ trộm đã để lại một mảnh giấy tại hiện trường ghi “Cám ơn vì đã để an ninh lỏng lẻo”. May mắn thay, bức tranh được lấy lại vài tháng sau đó và 4 kẻ trộm đã phải ngồi tù.

Trong vụ trộm lần thứ hai, hai kẻ bịt mặt đã vào Bảo tàng Munch qua một quán cà phê. Một tên ngăn khách thăm bảo tàng và nhân viên bảo tàng bằng một khẩu súng ngắn còn tên kia chạy vào phòng tranh chứa bức “Tiếng thét”. Sau khi lấy bức tranh, hắn và đồng bọn đã nhảy vào một chiếc xe Audi màu đen do một tên khác lái. Chiếc xe lao vút đi cùng bức tranh trước sự kinh hoàng của các nhân chứng.

Khung tranh của “Tiếng thét” bị đập gẫy.


Vụ trộm “Tiếng thét” được coi là vụ trộm tranh đầu tiên có sử dụng súng ở Nauy. Vụ trộm này đã khiến toàn châu Âu chìm trong một cuộc tranh cãi về cách thức bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật nếu bọn trộm sẵn sàng dùng vũ khí giết người để chiếm đoạt. Giám đốc Bảo tàng Munch, Nicole Richy, cho rằng các bảo tàng khó lòng mà an toàn tuyệt đối khi những vụ trộm như thế xảy ra. Nếu bọn trộm vào bảo tàng với súng máy thì hầu như không thể làm gì. Cách tốt nhất để bảo vệ các bức tranh và khách thăm bảo tàng là tăng cường an ninh toàn diện.

Không lâu sau vụ trộm, người ta phát hiện ra chiếc Audi nói trên cách bảo tàng vài km. Khung của các bức tranh đã bị đập gẫy và cũng được tìm thấy gần bảo tàng. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa tìm ra những bức tranh bị đánh cắp cũng như thủ phạm. Có khả năng bọn trộm sẽ tìm cách đòi tiền chuộc vì bức tranh “Tiếng thét” và cả “The Madonna” đã quá nổi tiếng nên rất khó bán. Tất cả những gì mà các nhà điều tra có thể làm là chờ sự may mắn.

Vụ trộm tranh lớn nhất nước Mỹ

Ngày 18/3/1990, hai người đàn ông mặc đồng phục cảnh sát và đeo ria đen giả đã gõ cửa Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở thành phố Boston lúc 1 giờ 24 sáng. Mặc dù không được phép nhưng hai nhân viên bảo vệ vẫn để hai người đàn ông trên vào. Hai kẻ giả cảnh sát thông báo rằng họ đang điều tra một vụ việc. Chỉ vài phút sau hai nhân viên bảo vệ đã nhận ra rằng hai gã cảnh sát này chính là bọn trộm. Tuy nhiên, lúc đó đã quá muộn. Họ bị trói gô lại trong lúc hai tên trộm thực hiện một trong những phi vụ trộm tranh lớn nhất lịch sử nước Mỹ.

Bảo tàng Isabella Stewart Gardner.


Trong vòng 81 phút, hai tên trộm đảo qua toàn bộ bảo tàng và lấy đi 13 thứ, gồm 3 bức tranh của họa sĩ Rembrandt, một bức của Vermeer, một bức của Govaert Flinck và Manet, một cái chén đồng Trung Quốc, 5 bức phác họa của Degas và 1 con chim đại bàng bằng đồng trên lá cờ Napoleon. Bọn chúng đã cắt các bức tranh ra khỏi khung một cách cẩu thả, bỏ lại khung và viền các bức tranh nham nhở khiến giá trị của các bức tranh giảm đi đáng kể. Các bức tranh ước tính trị giá khoảng 200 - 300 triệu USD.

Theo Cục điều tra Liên bang Mỹ, thủ phạm là hai người đàn ông da trắng, tóc đen, mắt sẫm màu. Một tên có thể hơn 30 tuổi, cao chừng 1,8 mét và nặng từ 54 - 90 kg. Tên còn lại chưa đến 30 tuổi, dáng người nhỏ, thấp hơn tên kia và nói giọng Boston. Tên trộm trẻ hơn trước khi đi còn dặn lại với hai bảo vệ: “Hãy nói rằng chúng tao sẽ sớm liên lạc với cảnh sát”. Tuy nhiên, hai tên trộm không bao giờ liên lạc lại. Bất chấp phần thưởng 5 triệu USD, những bức tranh quý giá một đi không trở lại.
Vụ trộm khiến người ta đặt ra nhiều giả thiết về thủ phạm. FBI và cả các thám tử tư do bảo tàng thuê đã lùng sục các nhóm buôn ma túy Nam Mỹ và cả những băng nhóm tội phạm ngầm người Nhật Bản nhưng đều không có kết quả. Thời gian trôi qua, hi vọng tìm thấy tài sản của bảo tàng hay bọn trộm cũng dần biến mất.

Một kiệt tác của Rembrandt bị đánh cắp.

Đến năm 1997, FBI chú ý tới hai kẻ tình nghi là tên trộm tranh bị kết án Myles Connor Jr và bạn hắn ta, người buôn đồ cổ William P.Youngworth III. Dù hai tên này đều ngồi tù lúc xảy ra vụ trộm tranh rúng động nước Mỹ trên nhưng người ta cho rằng bọn chúng là kẻ giật dây điều khiển vụ trộm từ trong nhà tù.

Năm đó, Youngworth và Connor đưa ra một thỏa thuận với FBI rằng bọn chúng sẽ làm trung gian để thu hồi lại các bức tranh và đổi lại FBI phải xóa các cáo buộc hình sự, đưa thêm tiền cho bọn chúng đồng thời thả Connor. Tất nhiên là thương vụ này không bao giờ được tiến hành vì chính quyền không sẵn lòng nghe theo một yêu cầu trơ tráo như thế và bản thân hai kẻ này cũng không thể chứng minh rằng có thể lấy lại các kiệt tác nghệ thuật.

Vụ cướp bảo tàng Vincent Van Gogh

Vincent Van Gogh là một trong những danh họa thể kỷ 19 nổi tiếng nhất thế giới. Phần lớn các tác phẩm của ông đều được trưng bày ở bảo tàng mang tên ông tại thủ đô Amxtécđam ở Hà Lan. Bảo tàng Vincent Van Gogh mỗi năm có hơn 1 triệu lượt khách ghé thăm. Chính vì có một kho báu nghệ thuật vô giá như vậy nên bảo tàng cũng là mục tiêu hàng đầu của bọn trộm tranh.

Bức "Hoa hướng dương" nổi tiếng của Van Gogh.


Năm 1991, hai tên trộm đã đánh cắp 20 bức tranh mỗi bức trị giá 10 triệu USD từ Bảo tàng Vincent Van Gogh, trong đó có bức tranh nổi tiếng nhất của Van Gogh là “Sunflowers” (Hoa hướng dương). Ngạc nhiên là các tác phẩm được tìm thấy chỉ vài giờ sau vụ trộm. Bọn trộm đã bỏ lại các bức tranh trong chiếc ô tô dùng để tẩu thoát. Người ta cho rằng bọn chúng gặp rắc rối trong phi vụ mua bán tranh và quyết định từ bỏ còn hơn là ôm lấy nguy cơ bị tóm nếu đòi tiền chuộc.

11 năm sau, Bảo tàng Vincent Van Gogh lại bị trộm. Tờ mờ sáng ngày 7/12/2002, bọn trộm đã dùng thang để leo vào cửa sổ tầng 1 bảo tàng. Chúng bọc tay bằng một miếng vải to rồi đập vỡ cửa kính để lẻn vào tòa nhà. Chỉ trong vài phút, bọn trộm đã lùng sục khắp khu trưng bày chính và cuỗm đi 2 bức tranh là “View of the Sea at Scheveningen” và “Congregation Leaving the Reformed Church in Nuenen” có giá trị tổng cộng 3 triệu USD. Sau đó, bọn chúng leo dây thừng xuống đất rồi chuồn với hai bức tranh. Mặc dù chuông báo động kêu ngay sau vụ đột nhập nhưng cảnh sát đã đến bảo tàng quá muộn.

Trong lúc cảnh sát lùng bọn trộm, các nhân viên điều tra tìm kiếm quy mô lớn toàn bộ bảo tàng và các khu vực xung quanh với hi vọng thấy được manh mối nào đó về thủ phạm. May mắn thay, họ tìm được một bằng chứng. Bọn trộm không chỉ bỏ lại vải buộc tay, thang, dây thừng mà còn bỏ lại một cái mũ có vành và mũ lưỡi trai.
Tháng 12/2003, cảnh sát lần ra hai kẻ tình nghi chính trong vụ trộm. Một là tên trộm tranh người Hà Lan, Octave Durham 31 tuổi, bị bắt ở Puerto Banus (Tây Ban Nha). Tên kia là Henk B, cũng 31 tuổi, bị bắt ở Amxtécđam. Nhờ mẫu ADN thu được trong hai cái mũ bỏ lại hiện trường, cảnh sát đã đủ chứng cứ để bỏ tù hai tên này.

Tuy nhiên, hai bức tranh vẫn biệt tích. Người ta cho rằng bọn chúng đã bán lấy một khoản tiền lớn. Nhưng vẫn có khả năng bọn chúng đã giấu nhẹm hai bức tranh một cách hợp pháp. Do luật pháp còn nhiều khe hở, những kẻ trộm tranh ở Hà Lan có thể “trở thành chủ sở hữu của các tác phẩm nghệ thuật đã đánh cắp từ tư nhân sau 20 năm và sau 30 năm nếu đánh cắp các tác phẩm sở hữu công”.

Hà Lan đang nghiên cứu rà soát lại những điều luật kiểu như trên vì nó đã khiến các vụ trộm tranh nghệ thuật tăng mạnh trong những năm gần đây. Một khi luật thay đổi, có thể Hà Lan sẽ không còn là một mảnh đất hứa với bọn trộm tranh nữa, những kẻ vốn coi đất nước này là một nhà kho tương đối an toàn để cất giấu đồ ăn trộm.

Thêm một “đứa con”của da Vinci bị đánh cắp

Lâu đài Drumlanrig của Công tước Buccleuch ở Xcốtlen là nơi lưu giữ một bộ sưu tập tuyệt vời các tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ. Lâu đài này mở cửa để công chúng có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập quý giá. Mỗi năm có hàng ngàn người tới để ngắm các tác phẩm của những danh họa như Gainborough, Rembrandt, Holbein và các nghệ sĩ nổi tiếng khác. Có lẽ một trong những tác phẩm quý giá nhất là bức tranh “Madonna of the Yarwinder” của danh họa Leonardo da Vinci. Cùng với bức Mona Lisa, đây được coi là một trong những “đứa con tinh thần” đẹp nhất của da Vinci.

Bức “Madonna of the Yarwinder” của da Vinci.


Cũng giống bức Mona Lisa, tuyệt tác này cũng bị đánh cắp. Tháng 8/2003, hai người đàn ông đóng giả khách du lịch tham gia chuyến thăm lâu đài Drumlanrig đã táo tợn đánh cắp tác phẩm trị giá 65 triệu USD nói trên sau khi khống chế nữ hướng dẫn viên. Khi các du khách sợ hãi đứng chết lặng, hai kẻ trộm đã nhanh chóng chuồn khỏi lâu đài trong một chiếc xe Volkswagen Golf FTI màu trắng cùng hai đồng bọn nữa. Nhóm trộm 4 tên đã bỏ chiếc xe trong rừng cách lâu đài 4 km và lên chiếc xe BMW màu đen. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng nhất bị đánh cắp ở Vương quốc Anh trong 70 năm qua.

Chiếc ô tô bọn trộm để lại sau vụ trộm tranh


Cảnh sát đã công bố chân dung phác họa bọn trộm. Một trong bốn thủ phạm là một người đàn ông gần 40 tuổi, cao khoảng 1 mét 75, vóc dáng nhỏ, mặc áo khoác da màu nâu, đội mũ lưỡi trai nâu, đeo kính tròn và mặc quần màu kem. Một tên già hơn, cùng chiều cao và tầm vóc, mặc quần đen, áo vét, áo sơ mi và mũ cùng màu kem. Cảnh sát cũng đưa ra một phần thưởng lớn cho những ai cung cấp thông tin giúp bắt được bọn trộm và mang bức tranh về an toàn. Nhưng cho đến tận bây giờ, bức tranh vẫn chưa được tìm thấy.

Thùy Dương 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN