Những ưu tiên và thách thức của Séc trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU

Lần gần đây nhất Séc giữ chức Chủ tịch luân phiên EU là vào đầu năm 2009, khi EU vẫn đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền châu Âu đang bắt đầu xuất hiện.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Séc Petr Fiala tại cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev. Ảnh: AP
 

Kể từ ngày 1/7/2022, Séc một lần nữa đảm nhận vị trí Chủ tịch của Hội đồng EU trong một giai đoạn "nóng bỏng" khác. 

Trong một cuộc diễn tập về quản lý khủng hoảng, Séc đặt mục tiêu tăng cường hợp tác khu vực để hỗ trợ Ukraine và tìm ra một số giải pháp chung cho lạm phát tăng vọt và cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.

Tuy nhiên, theo những người bi quan, khi nhiệm kỳ Chủ tịch của Séc kết thúc vào ngày 31/12 tới, những cuộc khủng hoảng này sẽ tồi tệ hơn rất nhiều. 

Đối với Chính phủ liên minh của Séc, vốn chỉ mới nhậm chức vào cuối năm ngoái, đây là thời điểm để chứng minh sự tin tưởng của họ là ủng hộ EU và hướng về phương Tây hơn so với các chính quyền Séc trước đây.

Vaclav Smolka, người phát ngôn báo chí của Chính phủ Séc, nói: "Mối quan tâm chính của Chính phủ Séc là thực hiện nhiệm kỳ Chủ tịch EU phù hợp với các nhu cầu và thách thức đương đại đang ở phía trước".

Tuy nhiên, việc chuẩn bị đã không được hỗ trợ bởi chính quyền Séc trước đây vì đã cắt giảm đáng kể ngân sách phục vụ nhiệm kỳ Chủ tịch EU dành cho Chính phủ liên minh mới. Kinh phí giành cho việc đảm nhiệm cương vị lần này chỉ khoảng 56 triệu euro, so với hơn 150 triệu euro vào năm 2009.

Do đó, Séc đã đặt ra một số ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của mình như sau:

Thứ nhất, Séc muốn quyên góp thêm tiền và vũ khí của EU để viện trợ cho Ukraine. Chính phủ Séc đã công bố đề cương chính sách 5 điểm vào ngày 15/6. Edita Hrdá, đại diện thường trực của nước này tại EU, nói với truyền thông địa phương: “Đó sẽ là một nhiệm kỳ Chủ tịch thời chiến, hoặc hy vọng là một Chủ tịch thời hậu xung đột".

Chuyên gia Ivana Karaskova thuộc Hiệp hội Các vấn đề Quốc tế Séc, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Praha, cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ của Séc. Bà Karaskova nói: “Là một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Ukraine trên cả mặt trận quân sự và chính trị, Séc sẽ đại diện cho một tiếng nói quan trọng trong cuộc tranh luận về chiến dịch quân sự của Nga". 

Praha khẳng định rằng họ muốn "làm hết sức, sử dụng tất cả các công cụ và chương trình do EU cung cấp để có thêm tiền và vũ khí của khối chuyển cho Ukraine”, theo danh sách mục tiêu chính thức trong nhiệm kỳ Chủ tịch Séc. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Jan Lipavský tuyên bố rằng Praha “sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev về mặt quân sự và vật chất, đồng thời sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ sự toàn vẹn của Ukraine”.

Mục tiêu này của Séc đã trở nên dễ dàng hơn một phần sau khi Ukraine được trao tư cách ứng cử viên EU vào tuần trước - một trong những ưu tiên đã được nêu trong nhiệm kỳ Chủ tịch của nước này. Việc thu hút tiền và vũ khí giờ đây sẽ là tiếp tục quá trình đó.

Tuy nhiên, nhiệm vụ trên cũng gặp thách thức khi sự thống nhất châu Âu dường như đang giảm dần so với gian đoạn đầu tiên xung đột nổ ra. Hiện đang có những cuộc tranh luận gay gắt hơn về việc liệu một số quốc gia, chẳng hạn như Đức, có hỗ trợ quân sự dủ cho Kiev hay không. Câu hỏi về việc chấp nhận hạn chế nhập khẩu khí đốt của Nga cũng trở nên nóng hơn.

Thứ hai, giúp đỡ người sơ tán và tái thiết Ukraine. Với thách thức trên, các nhà phân tích cho rằng Séc sẽ ưu tiên các vấn đề ít chia rẽ hơn. Bà Karaskova nói: “Chính phủ Séc hiểu sự cần thiết phải tạo ra các liên minh và làm việc như một người thúc đẩy sự đồng thuận của EU". 

Nhiệm vụ đầu tiên là Séc sẽ củng cố một chính sách công bằng và bền vững hơn cho những người sơ tán Ukraine trong EU. "EU phải thực hiện tất cả các bước để giúp đối phó tốt nhất với làn sóng sơ tán và tị nạn chưa từng có. Điều này sẽ đòi hỏi sự huy động tất cả các nguồn lực và kinh nghiệm cũng như việc sử dụng chúng một cách có phối hợp”, tuyên bố của phái đoàn Chủ tịch EU của Séc cũng nêu rõ.

Nhiệm vụ thứ hai là xúc tiến các cuộc đàm phán về việc tái thiết Ukraine sau khi xung đột kết thúc. Nhiều nhà phân tích cho rằng điều này có thể khó khăn khi các cuộc tranh luận tập trung vào việc các nước EU nên đóng góp bao nhiêu và số tiền có thể sẽ được chi tiêu như thế nào. EU có thể một lần nữa chia rẽ giữa giữa các thành viên "hào phóng" và "chi tiêu tiết kiệm". 

Một quan chức Bộ Ngoại giao Séc cũng dự báo sẽ một cuộc tranh luận về việc ai sẽ được phép tham gia vào quá trình tái thiết.

Thứ ba, biến đổi khí hậu và độc lập về năng lượng. Giáo sư Filip Kostelka tại Viện Đại học châu Âu, cho biết ưu tiên tiếp theo của Séc với tư cách là Chủ tịch EU sẽ là chuyển đổi năng lượng. Ông lưu ý: “Đó là về việc tìm ra điểm chung để trở nên độc lập về mặt năng lượng với Nga và hạn chế phát thải CO²".

Anna Hubáčková, Bộ trưởng Môi trường Séc, đã đưa ra các mục tiêu của mình trong một bài phát biểu vào ngày 20/6 với tiêu đề: “Độc lập về năng lượng, trung lập với khí hậu và khả năng phục hồi”.

Một lần nữa, gánh nặng của Séc đã được giảm bớt một chút sau khi Hội đồng Châu Âu nhất trí vào ngày 28/6 về hai trong số các cách tiếp cận chung chính đối với chính sách môi trường của EU.

Cụ thể, EU đã đồng ý với mục tiêu là 40% năng lượng từ các nguồn tái tạo trong tổng thể năng lượng vào năm 2030, cũng như cam kết tăng cường tích hợp năng lượng tái tạo trong một số lĩnh vực của nền kinh tế toàn châu Âu.

Mặc dù một số chính sách của chương trình đã được Hội đồng châu Âu chấp nhận vài ngày trước khi nhiệm kỳ Chủ tịch của Séc bắt đầu, nhiệm vụ cấp bách tiếp theo sẽ là đảm bảo sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu về việc công nhận hạt nhân và khí tự nhiên là các khoản đầu tư xanh. 

Điều này có thể sẽ được tranh luận vào tháng 7/2022. Séc đã là một trong những nước đề xướng năng lượng hạt nhân chính trong nhiều năm. Với 2 nhiệm vụ khó khăn này, các chính sách khác có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Chính phủ Séc, ba ưu tiên tiếp theo sẽ là “tăng cường khả năng quốc phòng của châu Âu và an ninh không gian mạng; khả năng chống chịu chiến lược của nền kinh tế châu Âu và khả năng phục hồi của các thể chế dân chủ”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Euronews.com)
Chính phủ Séc thông qua đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp liên quan người sơ tán từ Ukraine
Chính phủ Séc thông qua đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp liên quan người sơ tán từ Ukraine

Theo Hãng thông tấn Séc (ČTK), ngày 17/5, sau cuộc họp bất thường, Chính phủ Séc đã thông qua đề xuất gia hạn thêm 30 ngày tình trạng khẩn cấp được ban bố do làn sóng người sơ tán từ Ukraine. Hạ viện Séc sẽ xem xét để thông qua nghị quyết theo yêu cầu của Nội các. Nếu không được gia hạn, biện pháp này sẽ kết thúc vào ngày 31/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN