Những thay đổi chính của EU sau cuộc xung đột ở Ukraine

Cuộc xung đột Nga-Ukraine có vẻ đang khiến các nước thành viên EU trở nên đoàn kết, thống nhất hơn, cũng như thúc đẩy hợp tác theo những cách mới.

Theo báo Thelocal.se (Thụy Điển) ngày 14/3, trong hơn hai tuần qua kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukriane nổ ra, EU đã thay đổi đáng kể theo ít nhất 3 khía cạnh chính. 

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng định ở Versailles (Pháp) ngày 11/3. Ảnh: AP

Đầu tiên là liên quan đến tăng cường hợp tác quốc phòng. Các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Versailles (Pháp) mới đây đã đồng ý “tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng cũng như đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này ở châu Âu”.

Theo đó, EU đang tích cực củng cố năng lực quân sự của mình và vào cuối tháng 2 vừa qua, liên minh này đã đưa ra quyết định chưa từng có là sử dụng 500 triệu Euro từ ngân sách EU để tài trợ cho việc mua và giao vũ khí cho Ukraine.

Đức cũng thay đổi lập trường lịch sử của mình, khi Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố nước này sẽ gửi vũ khí để hỗ trợ Ukraine phòng thủ, đồng thời cam kết tăng đáng kể chi tiêu quân sự. 

Thứ hai, việc tiếp nhận những người sơ tán khỏi Ukraine đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách tị nạn của EU. Hơn 2 triệu người Ukraine đã di tản đến các nước EU trong hai tuần qua và lần đầu tiên đa số thành viên EU nhất trí sử dụng cơ chế 'bảo vệ tạm thời' được áp dụng vào năm 2001 do hậu quả của cuộc chiến ở Nam Tư cũ. 

Do đó, công dân Ukraine có thể đến EU mà không cần thị thực. Cơ chế khẩn cấp này cũng cho họ quyền cư trú và làm việc với các thủ tục đơn giản và không cần xin qui chế tị nạn. 

EU đã bị cáo buộc áp dụng tiêu chuẩn kép vì không thể đưa ra quyết định tương tự cho các cuộc xung đột trước đây, chẳng hạn như người tị nạn từ Syria, nhưng giờ đây hệ thống này đã được kích hoạt, sẽ khó thay đổi trong tương lai. 

Thứ ba, EU đã thông qua một loạt biện pháp trừng phạt lớn đối với Nga, từ việc chấm dứt chuyển giao công nghệ đến giới hạn xuất nhập khẩu một số hàng hóa và trừng phạt đối với các cá nhân có liên hệ với Chính phủ Nga.

Tuy nhiên, châu Âu vẫn phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Theo văn phòng thống kê EU (Eurostat), dầu mỏ, than đá và khí đốt chiếm 62% xuất khẩu của Nga sang khối này. Hiện EU đã đồng ý giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm nay và đang thảo luận về việc loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.

Trước mắt, EU đặt mục tiêu tìm kiếm các nguồn khí đốt thay thế. Nhưng về lâu dài, kế hoạch này nhằm giảm nhu cầu thông qua sử dụng năng lượng hiệu quả, tăng cường năng lượng tái tạo, đẩy nhanh kế hoạch làm cho nền kinh tế châu Âu trở nên trung hòa với carbon vào năm 2050. 

Nếu EU thực sự trở nên độc lập hơn, xanh hơn và nhân đạo hơn, có thể cuộc xung đột ở Ukraine đang tạo ra “sự thay đổi mang tính kiến ​​tạo trong lịch sử châu Âu”, như các nhà lãnh đạo EU đã nói.

Công Thuận/Báo Tin tức
EU phản đối kế hoạch của Israel tại khu định cư ở Đông Jerusalem
EU phản đối kế hoạch của Israel tại khu định cư ở Đông Jerusalem

Liên minh châu Âu (EU) bác bỏ chính sách định cư của Israel tại vùng lãnh thổ của người Palestine, cho rằng chính sách này phương hại tới giải pháp hai nhà nước được cộng đồng quốc tế ủng hộ đối với xung đột giữa Israel và Palestine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN