Nga, đối tác thương mại ngày càng lớn của Trung Quốc, cũng có thể sẽ tăng lượng xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc kể từ khi Moskva bắt đầu xuất khẩu thịt lợn từ tháng 2/2024.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 17/6 cho biết nước này đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn và các sản phẩm phụ nhập khẩu từ EU, sau khi khối này áp thuế chống trợ cấp đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.
Trung Quốc cho biết cuộc điều tra có thể kéo dài hơn một năm. Trong khi đó, bất kỳ tác động nào đến hoạt động xuất khẩu của EU cũng sẽ cần có thời gian.
Ông Justin Sherrard, chiến lược gia toàn cầu về protein động vật tại Rabobank, cho biết: “Việc đình chỉ hoàn toàn xuất khẩu thịt lợn từ EU sang Trung Quốc sẽ là một kịch bản ác mộng tiềm ẩn đối với chuỗi cung ứng thịt lợn, những tác động sẽ được cảm nhận trên toàn EU”.
Chiến lược gia Sherrard nói thêm rằng sự gián đoạn sẽ lây lan sang khắp các chuỗi cung ứng thịt lợn ở châu Âu, đẩy giá và tỷ suất lợi nhuận xuống thấp hơn.
Trung Quốc mua thịt lợn bao gồm cả các bộ phận như tai, mũi và chân, do nhu cầu từ khách hàng châu Âu rất ít. Các nhà phân tích cho biết khả năng xuất khẩu những bộ phận này giúp nâng cao giá trị thân thịt.
Chuyên gia Sherrard cho biết: “Sẽ mất thời gian, nhưng các nhà xuất khẩu EU có thể tìm được thị trường thay thế cho lượng thịt cắt miếng vốn đang được vận chuyển sang Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ khả năng tìm được một thị trường nhập khẩu thay thế đối với nội tạng lợn”.
Tây Ban Nha là nước xuất khẩu thịt lợn lớn nhất sang Trung Quốc trên toàn cầu, với doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm.
Phát biểu với các phóng viên tại trung tâm chăn nuôi Lleida của Tây Ban Nha, Bộ trưởng Công nghiệp nước này cho biết cả EU và Trung Quốc đều sẽ chịu thiệt hại nếu các biện pháp này có hiệu lực.
Interporc, đại diện cho các nhà sản xuất thịt lợn Tây Ban Nha, cũng đồng tình với quan điểm này. Cơ quan này cho biết: “Điều chúng tôi hy vọng là mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc sẽ luôn tốt đẹp và chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng mối quan hệ tốt đẹp này sẽ tiếp tục”.
Ngành công nghiệp thịt lợn của Đức đã phải chịu lệnh cấm nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm 2020 sau khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện ở nước này.
Nhà chế biến thịt lợn lớn nhất nước Đức Toennies dự báo giá thịt lợn sẽ giảm nếu các nhà xuất khẩu như Tây Ban Nha tìm kiếm thị trường mới sau khi doanh số bán hàng tại Trung Quốc bị mất đi.
Người phát ngôn của Toennies, Thomas Dosch, cho biết: “Nếu các nhà xuất khẩu EU, đặc biệt là Tây Ban Nha, không thể bán thịt lợn sang Trung Quốc, một số sản phẩm sẽ phải được tiêu thụ ở châu Âu và có thể gây áp lực giảm giá thịt lợn tại khối”.
Sau khi nhận thấy không thể bán thịt lợn sang Trung Quốc sau lệnh cấm, các nhà sản xuất thịt lợn ở Đức đã phải tìm kiếm đầu ra thay thế cho một số bộ phận của lợn, bao gồm nguyên liệu làm xúc xích, thức ăn cho vật nuôi và mỡ công nghiệp.
Nhà phân tích về thịt người Pháp và là cộng tác viên của tạp chí đánh giá hàng hóa Cyclope Jean-Paul Simier cho biết Nga cũng có thể góp phần bù đắp một phần lượng hàng xuất khẩu bị mất từ châu Âu. "Nga đã tăng cường sản xuất thịt lợn và thịt bò. Hiện nước này đã tự cung tự cấp được thịt lợn", ông Jean-Paul Simier nói và cho biết thêm Nga đã bắt đầu ký các thỏa thuận về an toàn thực phẩm với Trung Quốc.
Nhà phân tích cấp cao Pan Chenjun tại Rabobank ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), cho biết Brazil (Bra-xin), Argentina (Ác-hen-ti-a) và Mỹ có thể xuất khẩu nhiều thịt lợn và nội tạng động vật hơn sang Trung Quốc nếu việc xuất khẩu từ EU bị hạn chế. Nếu thuế chống bán phá giá quá cao, thì lượng hàng nhập khẩu từ các nước khác như Mỹ, Brazil và Argentina sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, Liên đoàn Xuất khẩu Thịt Mỹ (USMEF) lưu ý rằng thịt lợn của Mỹ hiện đang phải chịu thuế đáp trả 25% ở Trung Quốc, một động thái đáp lại việc Mỹ áp thuế thép và nhôm lên hàng hóa Trung Quốc.
Phó chủ tịch truyền thông Joe Schuele của USMEF, cho biết hiện chưa rõ liệu thịt lợn Mỹ có còn chịu bất lợi về thuế quan so với thịt lợn EU như hiện nay hay không.
Trong khi đó, Smithfield Foods, một công ty con của WH Group có trụ sở tại Hong Kong, mong muốn được giảm bớt thuế quan đối với thịt lợn của Mỹ.
Trung Quốc là nhà sản xuất thịt lợn hàng đầu thế giới và tiêu thụ gần 50% sản lượng thịt lợn của toàn cầu. Năm 2023, nước này nhập khẩu 6 tỷ USD thịt lợn và nội tạng động vật.
Giá thịt lợn trong nước Trung Quốc đã giảm mạnh, nhưng tình trạng dư cung đã giảm bớt trong năm nay do nông dân giết mổ ít lợn hơn để thúc đẩy thị trường.
Brazil, đối tác thương mại nông nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, được cho là sẽ hưởng lợi từ bất kỳ sự gián đoạn thương mại nào giữa EU và Trung Quốc. Nga cũng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc.