COVID-19 khắc sâu khủng hoảng nghèo đói
Theo kênh CNN (Mỹ), Vito đã từng làm công việc bóc tỏi với thu nhập khoảng 2 USD mỗi ngày, còn chồng của cô là một công nhân xây dựng. Nhưng hiện tại, họ đang không có việc làm. Vito chỉ là một trong những nạn nhân của sự suy thoái kinh tế ở Philippines sau nhiều đợt phong toả vì COVID-19. Việc nuôi sống các thành viên trong gia đình đông đúc đang trở thành cuộc đấu tranh sinh tồn mỗi ngày của vợ chồng cô.
“Chúng tôi không có đủ thức ăn cho các con của mình. Có khi buổi tối, chúng tôi phải nhịn ăn, chỉ có thể chờ đến hôm sau”, Vito nói.
Vito sống tại khu phức hợp Baseco, một trong những khu vực nghèo nhất của Manila, nơi gần 60.000 người đang chen chúc trên một mảnh đất khai hoang ở khu vực cảng của thủ đô. Những người trong khu định cư này chủ yếu sinh sống dựa vào hoạt động kinh tế quanh bến tàu, nhưng hầu hết đã phải dừng lại khiến họ mất thu nhập.
Philippines là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á ngay cả trước khi đại dịch bùng phát. Theo Ngân hàng Thế giới, đến cuối năm 2020, gần 1/4 người Philippines sống trong cảnh nghèo đói, với thu nhập chỉ khoảng 3 USD/ngày.
Để tránh những đợt phong toả nghiêm ngặt hơn và hồi phục nền kinh tế đang suy thoái, Chính phủ Philippines đang mọi đặt hy vọng vào vaccine.
Hoài nghi vaccine
Tuy nhiên, khi các chuyên gia y tế cho rằng tiêm chủng là công cụ quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch, nhiều người Philippines vẫn còn hoài nghi về vaccine và tỷ lệ tiêm chủng ở nước này vẫn ở mức thấp đáng báo động.
Chính phủ Philippines biết rằng tiêm chủng cho người dân là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, nhưng họ đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dân.
Theo số liệu của CNN, chưa đến 1% trong số 108 triệu dân của đất nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tuần trước, Philippines thông báo đã nhận được 8,2 triệu liều vaccine, nhưng cho đến nay mới chỉ có 4 triệu người được tiêm ít nhất một liều vaccine. Một số người Philippines khẳng định họ sẽ không tiêm chủng.
Theo cuộc khảo sát của Trạm Thời tiết Xã hội được thực hiện với 1.200 người vào tháng 5, 68% người được hỏi không chắc chắn hoặc không muốn chủng ngừa. Mối quan tâm lớn nhất của họ là các tác dụng phụ có thể xảy ra, hoặc họ có thể chết vì vaccine.
Không tin tưởng vào vaccine là vấn đề lớn ở Philippines. Những tranh cãi xung quanh vaccine sốt xuất huyết đã cản trở nỗ lực của quốc gia này trong việc đối phó với dịch COIVD-19. Vào năm 2017, Philippines đã đình chỉ một chương trình tiêm chủng quy mô lớn, sau khi công ty dược phẩm Sanofi Pasteur của Pháp phát hiện vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết Dengvaxia do họ sản xuất có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho những bệnh nhân chưa từng mắc căn bệnh lây truyền qua muỗi.
Phân tích cho thấy những người được chủng ngừa có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn nếu họ nhiễm virus. Vào thời điểm đình chỉ triển khai vaccine, trên 730.000 người Philippines đã được tiêm vaccine Dengavaxia.
Vụ bê bối này đã tạo ra một làn sóng hoài nghi vaccine cho đến tận ngày nay. Tình trạng người dân không muốn tiêm chủng có thể làm sụp đổ hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng, cùng mục tiêu tiêm chủng cho 50 đến 70 triệu người vào cuối năm nay của chính phủ.
Chính phủ Philippines bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 từ tháng 3 với tiến độ chậm chạp. Hiện nay, nước này vẫn đang trong giai đoạn đầu tiêm vaccine cho các bác sĩ, nhân viên chăm sóc sức khỏe, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền.
Để nâng cao niềm tin của công chúng vào vaccine, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tiêm một liều vaccine từ nhà sản xuất Trung Quốc Sinopharm vào đầu tháng 5, một sự kiện được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, ông Duterte đã tạm dừng việc tiêm vaccine Sinopharm, sau khi các nhà phê bình chỉ ra rằng loại vaccine này chưa được cơ quan quản lý dược phẩm phê duyệt.
Philippines cũng đã đặt hàng vaccine của Sinovac (Trung Quốc), AstraZeneca (Anh), Pfizer (Mỹ) và Sputnik V của Nga. Chính phủ cho biết hàng triệu liều dự kiến sẽ được cung cấp vào tháng 6.
Điều trị COVID-19 bằng gừng và mật ong
Giới chức và nhân viên y tế đang nỗ lực cải thiện niềm tin với vaccine bằng cách gửi tin nhắn tuyên truyền về hiệu quả của nó. Song, bác sĩ Mike Marasigan, một nhân viên y tế của Sở Y tế Thành phố Quezon, cho biết những đối tượng khó tiếp cận nhất là những cộng đồng nghèo nhất.
“Chúng tôi đã nhắm mục tiêu đến người dân ở các khu vực nghèo khó. Họ cũng là đối tượng dễ tổn thương nhưng chúng tôi lại gặp khó khăn trong việc thuyết phục họ cần phải tiêm phòng”, bác sĩ Marasigan nói.
Người thợ may đã nghỉ hưu Letty Zambrona, 65 tuổi, tại thành phố Paranaque, Manila cho biết bà sẽ không tiêm vaccine, dù nằm trong nhóm dễ tổn thương, mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao.
“Thực sự tôi không muốn tiêm phòng vì những tác dụng phụ của vaccine. Tôi liên tục nghe những tin tức này trên TV, như một số người đã xuất hiện cục máu đông trong não”, bà nói.
Zambrona cho biết vợ chồng bà muốn tận dụng các biện pháp chữa bệnh bằng thảo dược để điều trị COVID-19, như gừng, chanh và mật ong.
Trong khi đó, ông Marasigan cho biết một số người Philippines thậm chí còn nghĩ rằng họ không thể mắc COVID-19 vì thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm và mọi thứ, họ nghĩ rằng mình có hệ thống miễn dịch tốt.
Không chỉ đối mặt với dịch bệnh, người Philippines đang phải gồng mình vật lộn với sự suy thoái kinh tế tồi tệ nhất của đất nước kể từ năm 1947. Nền kinh tế đã suy thoái 9,5% vào năm 2020 và 4,2% trong quý đầu tiên năm nay.
Theo một cuộc khảo sát về nạn đói của Trạm Thời tiết Xã hội hồi tháng 9/2020, có đến 30,7% gia đình Philippines đang trong tình trạng nghèo đói và 8,7% gia đình phải đối mặt với tình trạng nghèo đói nghiêm trọng, mức cao nhất được ghi nhận trong 20 năm.
Trở lại khu phức hợp Baseco, chi phí sinh hoạt của gia đình Vito đã tăng lên do các thành viên đều ở nhà trong dịch COVID-19. Do trường học đóng cửa, họ phải trả tới 19 USD/tháng cho việc truy cập Internet để các con học trực tuyến. Đây là một khoản tiền khổng lồ đối với những người không có thu nhập.
“Nếu chúng tôi không nộp tiền, bọn trẻ sẽ không thể học tập. Nhưng tôi thà chi số tiền đó để bọn trẻ ăn sáng”, cô Vito nói.
Trở về nhà sau khi nhận được số tiền quyên góp từ bếp ăn cộng đồng, một ít đậu xanh, gạo và một vài loại rau khác, Vito biết rằng chặng đường khó khăn vẫn còn rất dài.
Và không chỉ Vito, đối với nhiều gia đình khác ở Philippines, nỗi sợ COVID-19 sẽ không thể sánh bằng mối đe dọa đói nghèo hàng ngày đang đeo bám họ.