Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, tỉ lệ lây nhiễm của Đức ngày 8/11 vọt lên ngưỡng 201,1 ca mắc mới/100.000 dân tính trong 7 ngày gần nhất. Con số này đã vượt ngưỡng 197,6 ca/100.000 dân Đức từng ghi nhận hồi đỉnh dịch tháng 12/2020.
Nói cách khác, Đức đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4. Thực tế này cũng đang xảy ra ở nhiều nước khác. Các nước Bắc bán cầu đang bước vào mùa Đông lạnh giá và số ca mắc mới, nhập viện lại tăng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là dịch bệnh xấu đi ở mọi quốc gia, khu vực. Số liệu cấp nhật mới nhất cho thấy một số nước ở châu Âu vẫn đang “ngược dòng” xu thế tiêu cực này.
Tây Ban Nha: Tỉ lệ lây nhiễm tính trong 7 ngày gần nhất ở Tây Ban Nha là 31 ca/100.000 dân, mức thấp nhất tại châu Âu. 80% dân số Tây Ban Nha đã hoàn thành tiêm chủng. 30,1% trẻ em dưới 18 tuổi tại quốc gia này cũng đã tiêm ít nhất một mũi – tỉ lệ cao thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU).
Điểm đáng chú ý khiến khiến ca mắc mới tăng nhanh tại châu Âu là xu hướng gia tăng lây nhiễm trong giới trẻ. Việc trên 30% trẻ dưới 18 tuổi ở Tây Ban Nha được tiêm vaccine có thể là lời giải thích cho việc nước này giữ được tỉ lệ lây nhiễm ở mức thấp.
Tây Ban Nha đã trải qua làn sóng lây nhiễm thứ tư hồi mùa xuân vừa qua, nhưng ở quy mô và cấp độ nhỏ hơn ba làn sóng trước đó. Ở thời điểm hiện tại, Tây Ban Nha dường đang thành công trong việc tránh được sóng lây nhiễm thứ năm.
Malta: Tỉ lệ lây nhiễm tại Malta là 48,8 ca mắc/100.000 dân, thấp thứ hai trong EU sau Tây Ban Nha. 83,5% dân số Malta cũng đã tiêm đủ liều vaccine, một tỉ lệ cao thứ hai ở EU. Do không có đường biên giới trên bộ, nên Malta có điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn trong tự cô lập để phòng bệnh.
Malta hồi tháng 7 vừa qua bắt đầu yêu cầu khách nhập cảnh phải cách ly nếu chưa tiêm ngừa vaccine. Ở thời điểm đó, đảo quốc này cũng chỉ công nhận chứng nhận tiêm chủng của các nước EU, Anh và Thụy Sĩ. Hiện tại, Malta đã bãi bỏ quy định cách ly với du khách đến từ nhiều nước khác nếu họ đã có chứng nhận vaccine, nhất là bằng chứng về mũi tiêm tăng cường sử dụng vaccine được Cơ quan Quản lý dược phẩm EU (EMA) cấp phép.
Thụy Điển: Tỉ lệ lây nhiễm trong 7 ngày gần nhất tại Thụy Điển là 54,9 ca/100.000 dân, thấp thứ 3 trong EU. Đây là trường hợp có nhiều điểm đáng lưu ý. Hai Quốc gia láng giềng của Thụy Điển là Na Uy và Đan Mạch đều có tỉ lệ lây nhiễm cao, lần lượt ở mức 175,2 ca/100.000 dân và 263,3 ca/100.000 dân. Hơn thế, tỉ lệ tiêm chủng ở Thụy Điển không phải là cao, chỉ có 68,2% dân số hoàn tất tiêm chủng, cao hơn một chút so với tỉ lệ trung bình trong EU là 65,6%.
Việc chính quyền Thụy Điển thực thi các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh trong làn sóng lây nhiễm thứ hai - như cấm bán rượu trong nhà hàng sau 8 giờ tối, hạn chế số lượng người được vào các cửa hàng, trung tâm mua sắm, có thể là lời giải thích phù hợp.
Bồ Đào Nha: Bồ Đào Nha có thể sẽ là một trường hợp nghiên cứu điển hình cho việc tỉ lệ tiêm chủng cao không hẳn luôn đồng nghĩa với số ca nhiễm thấp. Bồ Đào Nha là nước có độ che phủ vaccine cao nhất châu Âu, với 88% dân số hoàn tất tiêm chủng. Quốc gia này cũng đứng đầu EU về tỉ lệ tiêm phòng với trẻ em dưới 18 tuổi, khi có tới 32,5% trẻ được tiêm ngừa ít nhất một mũi. Nhưng tỉ lệ lây nhiễm ở Bồ Đào Nha là 68 ca/100.000 dân, cao gần gấp đôi so với Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, đây vẫn là một tỉ lệ lý tưởng nếu biết rằng Bồ Đào Nha từng là điểm nóng nhất về lây nhiễm COVID-19 ở châu Âu. Ở thời điểm đỉnh dịch tháng 2/2020. Đức và một số nước đã từng phải gửi đội quân y cùng nhiều trang thiết bị như giường bệnh viện dã chiến, máy thở tới Bồ Đào Nha để hỗ trợ nước này, trong bối cảnh hệ thống bệnh viện quá tải trầm trọng. Hiện nay, tỉ lệ lây nhiễm ở Bồ Đào Nha thấp hơn nhiều so với Đức.