Những "người rừng" cuối cùng bị đe dọa

Có một cộng đồng từng sống biệt lập với thế giới trong nhiều thiên niên kỷ, nhưng giờ đây sự tồn tại của họ đang bị đe dọa.

Họ là những con người sống tách biệt nhất trên trái đất, một nền văn minh nhỏ tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Miền đất của họ là vùng hoang dã rộng hàng ngàn dặm. Những con người nơi đây sống bằng nghề trồng trọt và săn bắn trong rừng nhiệt đới Amazon.

Số người chết tăng lên từ khi tiếp xúc với văn minh

Thế nhưng, giờ đây họ đang phải đối diện với mối đe dọa lớn. Ngày càng có nhiều sự lo ngại về tương lai của một trong những bộ lạc còn thuần chủng cuối cùng của thế giới khi Survival International - một tổ chức nhân quyền Anh, nơi xúc tiến các chiến dịch nhân danh những người bản xứ trên toàn thế giới - cho hay Chính phủ Peru đang từ bỏ những cam kết bảo vệ bộ lạc này.

Một trong những bộ lạc nguyên thủy cuối cùng ở khu rừng nhiệt đới của Peru đang bị đe dọa.


Cộng đồng này được José Meirelles, một nhà bảo tồn phát hiện từ năm 2008 khi ông đang bay qua khu rừng nhiệt đới gần biên giới phía Đông Bắc của đất nước này với Brazil. Những hình ảnh ghi được cho thấy một số người trong bộ lạc đã khua vũ khí và chỉ vào “chiếc máy” lạ lẫm đang bay trên bầu trời. 3 năm sau đó, cộng đồng vẫn chưa được đặt tên này trở thành chủ đề tranh cãi giữa những lời chỉ trích các nhà chức trách Peru đang định hủy bỏ khu bảo tồn Murunahua, nơi đã được dựng lên nhằm ngăn chặn các nhóm người bản xứ “giao lưu” với người bên ngoài.

Nhưng theo Tổ chức Survival International, giờ đây Chính phủ Peru đang định phá khu bảo tồn đó để cho phép khai thác cây gụ và các nguồn dầu lửa trong khu bảo tồn rộng 1,2 triệu mẫu này, cách những thành phố và thị trấn gần nhất tới hàng ngàn dặm. Đương nhiên, việc này sẽ gây thảm họa cho bộ lạc. Thực tế cho thấy, kể từ khi có sự giao lưu đầu tiên với người ngoài thì cho đến nay số lượng người chết trong bộ lạc này đã tăng nhanh chóng, bởi họ không miễn dịch với những căn bệnh thường thấy ở khắp mọi nơi. Chưa kể, những kẻ khai thác rừng bất hợp pháp luôn xua đuổi người dân trong bộ lạc này nếu như chúng nhìn thấy họ xuất hiện ở khu đất mà chúng đang khai thác.

Qua sự việc này, người ta nhớ lại sự việc xảy ra với bộ lạc Nahua ở Đông Nam Peru vào đầu những năm 1980. Chỉ vài năm sau khi những người thăm dò dầu lửa bắt đầu có quan hệ với bộ lạc này, thì hơn 1 nửa người dân trong bộ lạc đã chết vì những căn bệnh do “người ngoài” đưa đến. Một trường hợp khác không kém bi kịch cũng đã xảy ra với bộ lạc Akuntsu ở Brazil. Khi Chính phủ bắt đầu “để ý” đến nơi này vào năm 1995 thì họ phát hiện ra các chủ trại chăn nuôi ở đây đã sát hại gần hết bộ lạc. Hiện chỉ còn 5 người Akuntsu còn sống.

Làm ngơ trước những kẻ xâm nhập trái phép

Trong tuyên bố chỉ trích các nhà chức trách Peru, ông Stephen Corry, Giám đốc của tổ chức Survival International, nói rằng họ đã dọn đường cho việc phá bỏ khu bảo tồn bằng cách tảng lờ trước những sự xâm nhập trái phép trong thời gian gần đây.

Một cuộc điều tra mới đây của Upper Amazon Conservancy (có trụ sở ở Mỹ) cho thấy ở Murunahua đã mọc lên 5 khu trại bất hợp pháp. “Chính phủ Peru không hề có hành động gì nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của những kẻ khai thác gỗ, khiến nhiều người bản xứ phải trốn sang miền đất hoang dã thuộc Brazil, vì vậy giờ đây Chính phủ Peru đang định phá bỏ khu bảo tồn vì họ cho rằng người bản xứ không còn sống ở đây nữa”.

Năm 2009, nhiều bộ lạc đã bắt đầu phong tỏa các con đường và tổ chức các cuộc phản đối chống lại các kế hoạch khai thác dầu và gas tại khu đất của họ. Cuộc chiến này đã gây chấn động thế giới với vụ thảm sát xảy ra vào tháng 6/2009. Hàng chục người đã chết và hàng trăm người bị thương trong cuộc đụng độ gần thành phố Bagua Grande.

Ông José Meirelles, người đã phát hiện ra bộ lạc nêu trên từ năm 2008, cho rằng “thật ngu xuẩn” khi phá hủy khu bảo tồn và nhà chức trách cần phải mạnh tay với những kẻ khai thác rừng và dầu lửa bất hợp pháp.

Theo thethao.vn


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN