Ai Cập đã tạm hoãn kế hoạch áp dụng hệ thống thẻ thanh toán MIR của Nga trong các khu nghỉ dưỡng và khách sạn của mình trong bối cảnh lo ngại về các lệnh trừng phạt của Mỹ, theo một nguồn tin tại ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Ai Cập ngày 9/10.
Nguồn tin từ Ngân hàng Quốc gia Ai Cập cho biết: “Các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ và các đồng minh châu Âu đã buộc các giới chức Ai Cập loại bỏ sự ủng hộ của họ đối với hệ thống MIR".
Nguồn tin giấu tên trên lưu ý, sự gia tăng gần đây của dòng khách du lịch vào Ai Cập đã khuyến khích các quan chức Ai Cập đảo ngược kế hoạch liên kết MIR với hệ thống thẻ thanh toán Meeza của Ai Cập.
Một nguồn tin ngân hàng khác cũng nói với trang tin tức Masrawy trước đó rằng Ai Cập cũng lo ngại việc sử dụng hệ thống thanh toán của Nga có thể làm suy yếu các cuộc đàm phán hiện tại của họ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một khoản vay để thúc đẩy nền kinh tế của mình trong bối cảnh thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng. Với hơn 16% tỷ lệ biểu quyết, Mỹ là khối bỏ phiếu đơn lẻ lớn nhất trong IMF.
Ngân hàng trung ương Ai Cập ban đầu dự định áp dụng hệ thống MIR vào tháng 9/2022, nhưng kế hoạch này đã bị đình chỉ sau khi một số ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi hệ thống của Nga do bị Mỹ đe dọa trừng phạt. Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo rằng các ngân hàng xử lý các khoản thanh toán MIR có nguy cơ hỗ trợ nỗ lực của Nga nhằm trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine. Các hình phạt có thể bao gồm việc bị cấm sử dụng đồng USD.
MIR là một chương trình thanh toán hoạt động độc lập với hệ thống tài chính phương Tây, cho phép các quốc gia giao dịch với các ngân hàng Nga bên ngoài hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT và cho phép công dân Nga thực hiện các giao dịch kỹ thuật số.
Việc Ai Cập chấp nhận thẻ MIR sẽ cho phép khách du lịch Nga thanh toán bằng đồng rúp và truy cập vào các máy ATM, do đó dễ dàng giao dịch và thanh toán trong các khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Ai Cập.
Ai Cập là một trong năm điểm đến du lịch hàng đầu của du khách Nga. Người Nga và Ukraine chiếm 40% số người đi nghỉ ở Ai Cập, nhưng số lượng của họ đã giảm đáng kể kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Du lịch là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn của Ai Cập. Nước này thu về khoảng 13 tỷ USD từ du lịch vào năm 2021.
Trước đó Fakhri El-Fiqi, người đứng đầu Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Hạ viện Ai Cập, cho biết ngân hàng trung ương Ai Cập đã làm việc trong 6 tháng qua để liên kết MIR với mạng lưới Meeza của Ai Cập. Ông Fakhri nhấn mạnh điều này sẽ thúc đẩy du lịch Nga và “cũng sẽ giúp Ai Cập thanh toán cho các mặt hàng của Nga như lúa mì bằng đồng rúp thay vì USD”.
Medhat Nafie, một nhà kinh tế, cho rằng việc sử dụng đồng rúp sẽ mang lại lợi thế cho Ai Cập, vì Cairo là nhà nhập khẩu lúa mì lớn của Nga. Vị chuyên gia này nêu rõ: “Nhưng khả năng đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ ngăn các ngân hàng Ai Cập tiến tới việc áp dụng hệ thống MIR của Nga để thúc đẩy du lịch".
Trao đổi thương mại của Ai Cập với Nga đạt 4,7 tỷ USD vào năm 2021, tăng so với 4,5 tỷ USD một năm trước đó.